Quan điểm của VINPA về bài viết "Điều hành giá xăng dầu: Giật cục, lúng túng"
03:50 SA @ Thứ Hai - 08 Tháng Sáu, 2015

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã đọc bài “Điều hành giá xăng dầu: Giật cục, lúng túng” của tác giả Ngọc Mai - Khánh Huyền đăng trên báo Tiền phong ngày 04/6/2015. Để có thêm thông tin nhiều chiều cho bạn đọc, chúng tôi xin được trao đổi nhằm làm rõ những nội dung mà báo Tiền phong đã nêu.

Từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã trải qua 5 lần điều chỉnh giá. Ảnh:Hồng Vĩnh.

Ảnh: Hồng Vĩnh - TPO

…Một năm cơ quan quản lý nhà nước nên có kế hoạch sẽ tăng bao nhiêu lần. Chúng tôi chấp nhận tăng giá theo thị trường, nhưng phải có kế hoạch, chu kỳ rõ ràng để doanh nghiệp tính toán theo. Cứ điều hành kiểu thích thì tăng, giảm như vậy doanh nghiệp rất bức xúc…” - ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Co.opmart Hà Nội.

Với cách đặt vấn đề như trên, rõ ràng người đặt vấn đề không hiểu hết tinh thần của Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83CP), việc tăng giảm giá không thể nói thích thì tăng hoặc giảm được, cũng không thể nói có kế hoạch tăng bao nhiêu lần trong năm, mà việc tăng giảm giá phải theo đúng quy định về công thức tính giá cơ sở, về biên độ và tần suất tại Nghị định 83CP.

Chúng tôi xin nói rõ thêm: giá bán trong nước được hình thành trên cơ sở tín hiệu của giá thế giới, các loại thuế phí và được điều chỉnh với tần suất 15 ngày/lần.

…Bây giờ tăng thuế môi trường, giá xăng không giảm được. Do đó, thực chất giá xăng tăng lên…” - Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.

So với thời điểm trước khi thay đổi hai loại thuế là thuế nhập khẩu giảm từ 35% về 20% với xăng và tăng 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) thì giá xăng chỉ tăng 162 đồng (tương đương 0,8% giá xăng hiện nay 20.430 đồng/lít), làm giá xăng biến động không đáng kể.

Đối với các loại dầu, người tiêu dùng (doanh nghiệp sản xuất kinh doanh) thậm chí còn được hưởng lợi so với trước khi điều chỉnh thuế bởi mức tăng thuế bảo vệ môi trường (1.000đ/l) nhỏ hơn rất nhiều so với mức giảm thuế nhập khẩu (trên 2.000đ/l).

Như vậy có thể nói giá xăng dầu trong nước thời gian vừa qua được điều chỉnh tăng là do giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng, chứ không phải do tăng thuế BVMT.

…Một chuyên gia cho biết Nghị định 83CP đã quá rõ ràng, không có gì để chê trách. Đáng phê bình là Bộ điều hành đã không thực hiện đúng nghị định này. Mà cụ thể ở đây trách nhiệm lớn nhất thuộc về Bộ Công Thương, trực tiếp Vụ Thị trường trong nước…”.

Chúng tôi thực sự không hiểu tại sao một chuyên gia lại phát ngôn như vậy. Thứ nhất, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã điều hành giá xăng dầu theo đúng các quy định tại Nghị định 83CP về biên độ và tần suất. Thứ hai, Liên bộ công khai bình quân giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong 15 ngày, đồng thời cũng công khai tính giá cơ sở trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để người dân và các cơ quan quản lý cùng giám sát. Thứ ba, không thể nói Liên bộ (trực tiếp là Vụ Thị trường trong nước) điều hành giật cục, lúng túng vì Liên bộ đã điều hành đúng theo các nguyên tắc đã được quy định tại Nghị định 83CP và Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC thì làm sao lại nói không thực hiện đúng Nghị định. Thứ tư, trước khi phát ngôn với cơ quan báo chí, đề nghị vị chuyên gia cần nghiên cứu kỹ hơn về Nghị định 83CP cũng như điều hành giá xăng dầu của Liên bộ; nếu không sẽ gây hiểu lầm và bức xúc trong dư luận.

Nguồn: