Tăng giá để tăng CPI?
02:30 SA @ Thứ Hai - 30 Tháng Ba, 2015

Liên tiếp trong 4 tháng qua, kể cả 2 tháng Tết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm. Có thể nhận thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 5% của Chính phủ gần như sẽ đạt được.

Đây là thời cơ để Chính phủ điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu sát với giá thị trường, đồng thời vẫn đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê, lạm phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tiền tệ, cung-cầu, giá mặt hàng nhập khẩu, trong khi CPI giảm chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm nên chưa thể nói lạm phát năm 2015 sẽ được kiểm soát ở mức thấp.

Đồng tình với nhận định trên, một số chuyên gia thuộc Viện Chiến lược phát triển, Viện Nghiên cứu kinh tế-phát triển, Viện Nghiên cứu giá đều cho rằng, dù CPI thấp nhưng không phải do năng suất, chất lượng của nền kinh tế mà do giá xăng dầu giảm, tồn kho tăng. Nếu căn cứ vào CPI thấp để tăng giá các mặt hàng thiết yếu là không ổn với điều hành vĩ mô và làm tổn hại cho nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp sẽ lâm vào thế khó khăn hơn. Trong khi các yếu tố thị trường của nước ta chưa hình thành đầy đủ mà điều hành giá một số mặt hàng theo thị trường, vô hình trung làm cho thị trường “méo mó”. Những giải thích để tăng giá, nói là để tiếp cận thị trường là không phù hợp, không thuyết phục người dân và đẩy bất lợi cho người tiêu dùng.

Trong khi các nước trên thế giới đều tận dụng cơ hội giá xăng dầu thấp để kích thích sản xuất, tăng trưởng, tạo việc làm, thì ở nước ta lại tăng giá, tăng thuế. Ý kiến của các chuyên gia đều nhất trí cho rằng, không nên vì mục tiêu tăng trưởng GDP mà điều chỉnh giá tăng để kéo CPI lên. Điều cốt yếu hiện nay là cần khắc phục hạn chế về năng suất, chất lượng, lãng phí. Tại cuộc tọa đàm: “Kiên trì điều hành giá theo thị trường-Nhìn từ giá xăng dầu và giá điện”, hầu hết ý kiến đều tán thành việc Chính phủ điều chỉnh tăng giá trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng thấp. Song, không nên so sánh với giá thế giới, trừ trường hợp giá xăng dầu. Còn giá điện nước, dịch vụ y tế, giáo dục... làm sao có thể so sánh được? Ở các nước, người dân có mức thu nhập khác nhau, cơ cấu giá thành khác nhau, chính sách giá khác nhau. Cũng hiếm có nước nào xuất khẩu điện để so sánh, trong khi giá nhiệt điện khác với thủy điện, chưa kể chính sách bảo hộ của mỗi nước.

Đứng về phía cộng đồng doanh nghiệp, về phía người tiêu dùng, không ít chuyên gia khuyến nghị không nên tăng giá để tăng CPI. Nếu buộc phải tăng giá thì phải có lộ trình để doanh nghiệp có thời gian thích ứng, nhất là phải tính đến lợi ích người tiêu dùng. Để có cơ chế kiểm soát giá độc lập và công khai, cần phải nâng vị thế của Cục Quản lý cạnh tranh, thay vì thuộc Bộ Công Thương nên chuyển lên trực thuộc Quốc hội.

Nguồn: