Tăng thuế môi trường trên xăng, ngân sách thêm 23.720 tỉ đồng
02:59 SA @ Thứ Năm - 12 Tháng Ba, 2015

Sáng 11-3, ông Đinh Nam Thắng, phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết như vậy.

Ông Đinh Nam Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính)  - Ảnh:Lê Thanh

Ông Đinh Nam Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) - Ảnh: Lê Thanh

Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu của Chính phủ được bạn đọc đặc biệt quan tâm. Để giúp bạn đọc có thêm những thông tin về đề xuất nói trên, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Nam Thắng.

* Ông cho biết đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu có làm môi trường được trong sạch hơn?

- Tôi cho rằng việc hạn chế ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp bách hiện nay. Việc tăng thuế bảo vệ môi trường trong đó khuyến khích người dân sử dụng nhiên liệu sinh học (xăng E5, xăng E10) để giảm ô nhiễm môi trường cũng là một trong những mục tiêu, yêu cầu của việc sửa đổi mức thuế bảo vệ môi trường lần này.

* Việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ giúp ngân sách năm 2015 tăng thêm bao nhiêu?

- Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu dự kiến năm 2015 theo phương án tăng thuế các mặt hàng như đề xuất là khoảng 35.560 tỉ đồng. Còn năm 2014 là 11.860 tỉ đồng. Như vậy, số thu năm nay ước tăng khoảng 23.720 tỉ đồng/năm.

Tôi cũng xin nói thêm là việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ đảm bảo phù hợp với giá bán lẻ xăng dầu của các nước trong khu vực, góp phần hạn chế buôn lậu xăng dầu.

Nếu so sánh giá xăng RON 92 của ta với một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia, nếu tính cả mức thuế bảo vệ môi trường tăng thêm thì ta vẫn thấp hơn từ 5.000-6.000 đồng/ lít.

Bên cạnh đó, từ khi gia nhập thị trường ASEAN, theo cam kết, thuế suất trần nhập khẩu xăng dầu tối đa là 20%, trong khi thuế suất ưu đãi chúng ta đang áp dụng là 35%.

Sự chênh lệch này dẫn tới các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu sẽ tập trung vào nhập khẩu xăng dầu từ thị trường ASEAN để hưởng ưu đãi thuế.

Theo Hiệp hội Xăng dầu phản ánh thì nhiều nhà cung ứng xăng dầu trong các nước ASEAN đã yêu cầu tăng giá bán xăng dầu cho Việt Nam, như vậy lợi ích từ thuế suất ưu đãi chúng ta lại phải chia sẻ cho nước ngoài.

Do đó chúng ta sẽ phải giảm thuế suất MFN đối với các thị trường còn lại ngoài khối ASEAN. Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo cam kết quốc tế làm ngân sách hụt thu từ xăng dầu bình quân khoảng 28.000 tỉ đồng mỗi năm. Do đó, nguồn thu từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mới chỉ đáp ứng được 84% số hụt thu từ giảm thu thuế nhập khẩu mặt hàng này.

* Dư luận rất lo ngại việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ khiến giá xăng dầu tăng, nhất là khi giá thế giới tăng trở lại. Ông có ý kiến như thế nào về băn khoăn này?

- Sáng qua, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã khẳng định tăng thuế bảo vệ môi trường không làm xăng tăng giá vì cơ cấu các loại thuế trong giá xăng dầu khi điều chỉnh vẫn thấp hơn so với mức thuế nhập khẩu xăng dầu chưa điều chỉnh hiện nay.

Việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ không ảnh hưởng đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước và doanh nghiệp, người dân vẫn được hưởng lợi khi giá dầu thế giới giảm.

Cụ thể, theo nghị định số 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì thuế bảo vệ môi trường và thuế nhập khẩu là những yếu tố cấu thành trong giá cơ sở xăng dầu.

Như vậy, với việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu như đề xuất, nghĩa là đảm bảo khoảng 84% mức giảm thu ngân sách nhà nước do cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, giá bán lẻ xăng RON 92 với thuế bảo vệ môi trường là 3.000 đồng/lít và mức thuế nhập khẩu 20% vẫn thấp hơn giá bán lẻ xăng RON 92 theo mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành 1.000 đồng/lít và mức thuế nhập khẩu hiện hành (35%) khoảng 16%.

Còn trong trường hợp giá dầu trên thế giới tăng thì sẽ điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu cho phù hợp. Bên cạnh đó, trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng mà chúng tabuộ c phải điều chỉnh giá bán trong nước thì lúc này là nguyên nhân do giá dầu thế giới tăng chứ không phải là do tăng thuế.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: