Chính sách trợ giá nhiên liệu ở Indonesia
04:14 SA @ Thứ Ba - 04 Tháng Sáu, 2013

Indonesia đã được trợ giá bán lẻ nhiên liệu kể từ năm 1967. Chính phủ Indonesia trợ cấp hai sản phẩm xăng, dầu của Pertamina (Tập đoàn dầu khí quốc gia Indonesia). Xăng trợ cấp được gọi là “Premium” và dầu Diezen trợ cấp được gọi là “Solar”.

Vào giữa năm 2005, Chính phủ nước này cải cách trợ cấp dầu hỏa, loại bỏ trợ cấp tiêu dùng công nghiệp, chỉ trợ cấp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Một trạm nhiên liệu ở Indonesia

Công thức tính trợ giá nhiên liệu ở Indonesia

Nhiên liệu trợ giá = [Giá nhiên liệu tham chiếu – (giá nhiên liệu bán lẻ - thuế)] x Khối lượng nhiên liệu

Thuế gồm Thuế GTGT (PPN 10%) và Thuế nhiên liệu xe cơ giới (PBBKB 5%)

Giá tham chiếu được tính dựa trên giá MOPS cộng với chi phí phân phối và lợi nhuận


Hình 1:  Trợ cấp nhiên liệu của Chính phủ Indonesia  từ năm 2000 - 2011(IDR trillion).

Nguồn: Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản (2010) và Ngân sách Nhà nước Indonesia (2011)



Hình 2: Giá nhiên liệu trợ cấp và không trợ cấp, 2010-11.

Nguồn: Tính toán từ Pertamina (2012) và Bộ Năng lượng & Tài nguyên Khoáng sản (2010).



Hình 3 : Khối lượng tiêu thụ nhiên liệu được trợ cấp ở Indonesia từ năm 2006 - 2011

Ảnh hưởng của trợ giá nhiên liệu đối với nền kinh tế Indonesia

Chính phủ Indonesia trợ cấp xăng dầu để giúp giữ giá nhiên liệu hợp lý, đặc biệt đối với nhóm có thu nhập thấp. Các hộ gia đình có thể mua hàng hóa, dịch vụ rẻ hơn do trợ giá làm giảm chi phí năng lượng đầu vào cho các nhà sản xuất, phân phối và cung cấp dịch vụ. Thực tế, mỗi hộ gia đình, cả giàu và nghèo đều có cơ hội như nhau để mua nhiên liệu được trợ giá. Những người tiêu dùng nhiên liệu lớn nhất lại là các hộ gia đình giàu có và những người ở khu vực thành thị.

Biến động giá nhiên liệu và tài chính của Chính phủ

Là nhà nhập khẩu nhiên liệu ròng, Indonesia phải mua hầu hết nhiên liệu theo giá thị trường quốc tế, bán nhiên liệu với giá rẻ hơn trong nước dẫn đến tổn thất rất lớn cho Pertamina, gây ra một gánh nặng tài chính lớn trên toàn bộ nền kinh tế Indonesia. 

Khoản trợ cấp lớn vào nhập khẩu làm cho tình hình tài khóa của Indonesia dễ bị thay đổi. Khi giá dầu quốc tế tăng mạnh như năm 2008, Chính phủ buộc phải tăng giá nhiên liệu gây gia tăng lạm phát đột ngột hoặc tăng ngân sách trợ cấp. Nếu chính phủ muốn duy trì trợ cấp vào những thời điểm giá dầu tăng cao thì phải mượn nguồn vốn bổ sung hoặc cắt giảm chi tiêu cho các chương trình khác. 

Gia tăng nhiên liệu nhập khẩu

Nhiên liệu được trợ cấp tiêu thụ quá mức dẫn đến tăng nhu cầu về nhiên liệu nhập khẩu và giảm lượng sản xuất trong nước để xuất khẩu. Do đó, trợ cấp dẫn đến sự suy giảm của cán cân thanh toán và tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu. Một sự chênh lệch lớn giữa nhiên liệu trợ giá và không trợ giá khiến người tiêu dùng chuyển từ nhiên liệu không được trợ giá “Pertamax” (chỉ số octan 92) của Pertamina sang nhiên liệu trợ cấp “Premium” (chỉ số octan 88). Nhà máy lọc dầu của Pertamina chỉ có khả năng sản xuất 10,58 triệu kilolit nhiên liệu “Premium” hàng năm, lượng nhiên liệu còn lại phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ngoài ra, trợ giá nhiên liệu khiến việc tiêu thụ quá mức ảnh hưởng đến gia tăng lượng khí thải nhà kính, sự chênh lệch giữa các sản phẩm trợ giá và không trợ giá tạo động cơ cho những hoạt động bất hợp pháp như buôn lậu nhiên liệu,…

Kế hoạch cải cách trợ cấp nhiên liệu

Chính phủ Indonesia dự kiến sẽ loại bỏ trợ cấp nhiên liệu do áp lực tài khóa ngày càng tăng trong những năm tới.

Các kế hoạch hiện nay của chính phủ nước này nhằm giảm trợ cấp nhiên liệu được tập trung vào sản phẩm xăng trợ cấp "Premium" do Tập đoàn Pertamina sản xuất và cung cấp. Giá nhiên liệu Premium và Solar (diezen) trợ cấp ít được thay đổi, trong khi giá của Pertamax và Pertamax Plus được thay đổi thường xuyên. Ngoài ra, hỗn hợp ethanol của Premium ("Bio Premium") và Pertamax ("Bio Pertamax") được bán tại một số cây xăng, nhưng không được phổ biến rộng rãi.


*Giá tính đến tháng 2/2012

Ngày 30/1/2012, Chính phủ Indonesia đã công bố kế hoạch để giảm khoản trợ cấp Premium, có hiệu lực từ tháng 4/2012. Kế hoạch cải cách bao gồm hai yếu tố: cấm phương tiện xe cá nhân 4 bánh tiêu thụ Premium ở Jakarta và các loại xe của quan chức tại vùng Java và Bali và triển khai việc thay thế nhiên liệu vận tải khí nén (Khí  đốt tự nhiên CNG và khí hóa lỏng) cho các phương tiện đi lại. Các kế hoạch của chính phủ bước đầu được tập trung vào khu vực Java-Bali, sau đó sẽ được triển khai trên toàn quốc. Trong tháng 2/2012, Chính phủ đã công bố một kế hoạch bổ sung để xem xét việc tăng giá nhiên liệu Premium như một biện pháp ngắn hạn để giảm trợ cấp xăng.

Cải cách này chắc chắn sẽ mang lại những thay đổi về cơ cấu kinh tế cho Chính phủ và cho các hộ gia đình ở quốc gia này.

1 USD = 9,650.00 IDR

Nguồn tham khảo: eria.org, iisd.org