Từ năm 2011, TP HCM đã thí điểm 21 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG nhưng tới nay sau 5 năm triển khai toàn TP mới có 137 xe buýt được đưa vào vận hành.
Có nhiều nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của dòng xe buýt CNG, trong đó có hai rào cản lớn nhất đó là cơ chế chính sách và đầu tư hạ tầng trạm nạp nhiên liệu.
Xe buýt CNG chậm phát triển tại TP HCM do thiếu cơ chế hỗ trợ
Đầu tháng 3/2016, đã có 23 xe buýt CNG của đề án được Hợp tác xã vận tải 19/5 đưa vào khai thác tuyến ĐH Quốc gia TP HCM- Bến xe An Sương. Dự kiến, cuối năm 2016 sẽ có thêm 229 chiếc.
Lợi ích đã thấy rõ
Ông Vũ Văn Luật, Đại diện Cty cho biết: “Sau 5 năm đưa vào sử dụng, chúng tôi nhận thấy đây là loại xe buýt có chất lượng rất tốt. Về kỹ thuật, động cơ CNG có tính năng động lực học tương tự động cơ xăng; Thời gian tăng tốc của phương tiện sử dụng CNG nhỏ hơn xe chạy diesel khoảng 22%, quãng đường tăng tốc cũng nhỏ hơn khoảng 30% so với xe sử dụng động cơ diesel. Mức độ phát thải giảm đáng kể so với động cơ diezel, các thành phần CO2, HO… giảm đáng kể so với động cơ diezel, lượng khí nhà kính và mùi hôi cũng giảm đáng kể”.
Cũng theo ông Luật, sử dụng xe buýt CNG tiết kiệm chi phí lớn cho DN. Căn cứ vào hợp đồng giữa Saigon Bus và Cty Khí hóa lỏng Việt Nam thì giá bán khí CNG chỉ bằng 60% giá dầu DO; Xe buýt CNG tiết kiệm được 20- 30% so với xe buýt thường. Hơn nữa, xe buýt CNG còn mang lại hiệu quả chung cho nền kinh tế trong việc tận dụng nguồn khí thiên nhiên đồng hành tại các mỏ có trữ lượng lớn mà chúng ta đang khai thác. Giảm giá thành trong khai thác phương tiện, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào các biến động của thị trường dầu mỏ thế giới.
Theo tính toán của PGS- TS Nguyễn Thị Bích Hằng, Trường ĐHGTVT cơ sở II: Qua khảo sát 3 xe buýt CNG trên tuyến số 1 rất khả quan. Trung bình 1 xe tiêu thụ 39,6 kg CNG/100km, sau 1 năm chạy thử nghiệm, các xe này đã tiết kiệm được hơn 2 tỷ đồng, tiết kiệm được 23% chi phí nhiên liệu. Đồng thời, việc sử dụng khí CNG cho các phương tiện vận tải phải nói là rất an toàn.
"Hiện toàn TP có khoảng 3.000 xe buýt chạy 134 tuyến, trong đó có 137 xe sử dụng nhiên liệu CNG. Tháng 5/2015, UBND TP đã ban hành đề án thay mới 300 xe buýt chạy bằng CNG vào sử dụng, giao TCty Samco làm đầu mối phụ trách việc sản xuất dòng xe này."
Vẫn khó ở cơ chế
Với nhiều lợi ích kể trên đáng lẽ ra dòng xe buýt CNG này phải được sử dụng ngày càng rộng rãi, thế nhưng cho tới nay, nó mới chỉ chiếm 0,04% tổng số xe buýt tại TP HCM. Lý giải điều này, ông Trần Văn Nghị, PGĐ Cty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam chia sẻ: “Để phát triển loại phương tiện này hoàn toàn phụ thuộc vào đề án phát triển xe buýt của TP HCM. Tuy nhiên, hiện tại TP vẫn đang thiếu cơ chế hỗ trợ cho các DN trong việc đầu tư xe và đầu tư trạm nạp CNG. Tại Hàn Quốc, xây dựng mỗi trạm cấp khí CNG Nhà nước hỗ trợ 700.000 USD, số tiền DN phải bỏ ra rất nhỏ. Trong khi đó tại VN, DN phải bỏ tiền túi khoảng 1 triệu USD đầu tư 1 trạm CNG”.
Vấn đề chuyển đổi dòng xe buýt đang chạy diezel sang dùng CNG cũng không mấy khả quan. Ông Phùng Đăng Hải, TGĐ Liên hiệp HTX vận tải TP HCM phân tích, hầu hết các xe buýt đang hoạt động tại TP HCM đều có tuổi thọ hơn 10 năm nên không phù hợp chuyển đổi. Bên cạnh đó, việc phân bổ các trạm cấp khí CNG hiện nay chưa hợp lý, chỉ có một, hai trạm ở ngay đầu tuyến, mấy trạm còn lại đều ở xa nên nhiều khi tài xế phải đánh xe không tải về trạm nạp. Việc huy động như vậy gây ra sự tốn kém, lãng phí mà nguy hiểm nhất là xe đang chạy mà hết khí CNG thì chỉ còn cách duy nhất là kéo về trạm.
“Hiện nay, TP mới chỉ tính trợ giá cho xe CNG bằng 50% giá khoán (tương đương với xe buýt thường). Thậm chí, tiền trợ giá, lãi suất ưu đãi phải sau 1 năm hoạt động DN xe buýt mới được nhận, không đủ bù so với chi phí DN bỏ ra. Điều đáng nói là hiện nay, đầu tư một chiếc xe là 2,75 tỷ đồng, bình quân một tháng DN phải bỏ ra 35 triệu đồng mới đủ trả vốn, lãi ngân hàng trong vòng 7 năm khiến nhiều DN rất hồi hộp khi đầu tư xe buýt CNG. Do đó, Sở GTVT cần phải có chính sách rõ ràng hơn thì DN mới dám đầu tư”, vị này nói. Đồng quan điểm, ông Trần Văn Quang, PGĐ Sở GTVT tỉnh Đồng Nai nhìn nhận: Sở GTVT tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cty Sonadezi trình UBND tỉnh đề án xin đầu tư 550 xe CNG từ năm 2011. Tới nay, đề án đã được trình 2 lần nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Một là, thiếu chính sách hỗ trợ của Trung ương; Hai là, thiếu cơ chế hỗ trợ vay vốn mua xe, quỹ đất làm trạm nạp của tỉnh.
Theo ông Quang, sử dụng xe buýt CNG là góp phần vào cải tạo môi trường nên cần phải có chính sách giảm thuế nhập khẩu, hỗ trợ vốn đầu tư mua xe; còn các tỉnh lo phần trợ giá, giới thiệu quỹ đầu tư vay vốn với lãi suất ưu đãi hoặc không lãi suất. “Với giá xe 2,75 tỷ đồng/1 chiếc, Nhà nước và tỉnh hỗ trợ cho DN khoảng 1 tỷ đồng, DN bỏ ra 1,75 tỷ đồng/1 xe thì tôi nghĩ DN mới mặn mà. Nếu không có cơ chế hỗ trợ rõ ràng thì coi như “bó tay” vì bản thân các DN không đủ lực để làm” – ông Quang cho biết.
Ông Hải cũng chia sẻ, theo quy định, xe buýt CNG hoạt động trên 1 năm mới được hỗ trợ lãi suất của Nhà nước nhưng với áp lực trả lãi ngân hàng thì trung bình một xe buýt CNG phải có nguồn thu từ 35 đến 40 triệu đồng/tháng, ổn định trong 7 năm thì mới có thể đủ trả cả nợ gốc và lãi ngân hàng. Như vậy, duy trì hoạt động đã khó nói gì phát triển thêm. Các đơn vị vận tải, hợp tác xã nhỏ, các doanh nghiệp, các tỉnh sẽ càng khó có thể thực hiện.
TIN KHÁC
Biến 20.000 tấn rác thải nhựa thành dầu thô(09/08/2024)
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)