Trong thế giới năng lượng, Ấn Độ đang trở thành "Trung Quốc mới". Quốc gia đông dân thứ nhì hành tinh đang trở thành cỗ máy tăng trưởng nhu cầu dầu thô.
Theo Bloomberg, khi Trung Quốc đang cố gắng thoát khỏi cảnh phụ thuộc vào sản xuất, Ấn Độ lại dựa vào yếu tố này để thúc đẩy nền kinh tế. Cũng như Trung Quốc cách đây một thập niên, Ấn Độ hiện cố gắng bảo vệ nhu cầu năng lượng trong tương lai của họ bằng cách tích cực đầu tư vào sản xuất dầu thô trong lẫn ngoài nước.
“Nhu cầu năng lượng sẽ tự nhiên tăng trưởng trong một nền kinh tế đang phát triển và đặc biệt được nhấn mạnh khía cạnh sản xuất. Việc nhấn mạnh vào sản xuất và cơ sở hạ tầng đóng góp lớn vào triển vọng việc làm bên cạnh việc đem lại nhiều khoản đầu tư”, Chủ tịch B. Ashok của hãng lọc dầu lớn nhất Ấn Độ Indian Oil nói.
Ấn Độ có thể hưởng một lợi thế mà quốc gia Đông Á không có: giá cả. Trung Quốc “khát” các loại hàng hóa ở thời điểm mà dầu thô WTI có giá 147,27 USD/thùng vào năm 2008, trong khi Ấn Độ giờ đây cần dầu lúc giá đã giảm sâu hơn 50% kể từ mức giữa năm 2014. Đất nước Nam Á năm nay chi ít hơn 60 tỉ USD cho nhập khẩu dầu dù họ đang mua nhiều hơn 4% so với năm ngoái.
“Ngoài tác động tích cực từ dầu giá rẻ, sự thay đổi cơ cấu và định hướng chính sách đang diễn ra ở Ấn Độ sẽ giúp nước này “cất cánh” như Trung Quốc hồi cuối những năm 1990, khi mà nhu cầu dầu thô Trung Quốc ngang nhu cầu dầu thô Ấn Độ hiện tại”, chuyên gia phân tích dầu thô Amrita Sen thuộc hãng Energy Aspects ở London (Anh) nhận định.
Vào năm 1999, kích thước kinh tế Trung Quốc ít hơn 1/10 so với mức 10.000 tỉ USD hiện nay. 17 năm sau đó, Đại lục được thúc đẩy bởi đầu tư nước ngoài vào sản xuất, leo từ vị trí thứ 7 lên vị trí thứ 2 trong top các nền kinh tế lớn nhất.
Doanh số phương tiện giao thông và nhu cầu dầu thô tăng gấp ba lần kể từ đó và Trung Quốc được cho là sẽ vượt qua Mỹ, trở thành nước nhập khẩu “vàng đen” lớn nhất trong năm nay.
Ấn Độ dường như đang đi lại con đường của Trung Quốc khi nước này khởi động đà tăng trưởng. Nền kinh tế lớn thứ ba châu Á tiêu thụ 4 triệu thùng/ngày hồi năm ngoái, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và được dự kiến sẽ vượt qua Nhật Bản, trở thành nước sử dụng dầu lớn thứ ba thế giới trong năm nay. Ấn Độ sẽ là nước có mức tăng tiêu thụ dầu cao nhất từ nay đến năm 2040.
Chiến dịch “Make in India” mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi xúc tiến nhằm tạo ra 100 triệu việc làm, tăng miếng bánh sản xuất trong nền kinh tế đến 25% vào năm 2020, là yếu tố góp phần thúc đẩy kinh tế Ấn Độ. Sản xuất tỷ lệ thuận với nhu cầu năng lượng, và lương bổng tăng cũng giúp người dân Ấn Độ mua kỷ lục 24 triệu chiếc xe trong năm 2015.
Sự trỗi dậy của Ấn Độ hiện ăn khớp với sự trở lại của Iran, nhà sản xuất lớn thứ nhì Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trước khi các lệnh trừng phạt quốc tế làm khó đầu ra sản xuất và đầu tư.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Dharmendra Pradhan sẽ dẫn đầu phái đoàn nước này đến Iran trong thời gian tới. Quốc gia Nam Á cũng đang làm việc với vùng Vịnh Ba Tư để phát triển cảng biển gần biên giới Iran - Pakistan.
TIN KHÁC
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Nhật Bản thử nghiệm thành công tàu hybrid sử dụng pin hydro và diesel sinh học(08/04/2024)
Đâu là 5 nhà khai thác dầu lớn nhất năm 2023?(29/12/2023)