Chính sách mới về xăng, dầu có hiệu lực từ tháng 5 năm 2016
02:28 SA @ Thứ Sáu - 06 Tháng Năm, 2016

Bắt đầu từ tháng 5/2016, nhiều quy định, chính sách liên quan đến ngành Công Thương sẽ có hiệu lực thi hành như: Quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; Quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; Quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, v.v...

Quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu

Kể từ ngày 01/5/2016 Thông tư số 43/2015/TT-BCT quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương ban hành có hiệu lực thi hành.

Theo đó, Thông tư quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu bao gồm: xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu; pha chế; phân phối xăng dầu tại thị trường trong nước; tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển xăng dầu. Thông tư này áp dụng đối với thương nhân theo quy định của Luật Thương mại kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Theo Thông tư số 43/2015/TT-BCT, về nguyên tắc quản lý tỷ lệ hao hụt xăng dầu, tỷ lệ hao hụt xăng dầu quy định tại Thông tư là tỷ lệ hao hụt xăng dầu tối đa. Hao hụt xăng dầu được quản lý, tổ chức, hạch toán, quyết toán đối với từng sản phẩm xăng khoáng RON95, RON92, xăng sinh học E5, E10, etanol nhiên liệu E100, dầu hỏa (KO), nhiên liệu bay JET A-1, dầu điêzen (DO 0,05% S), (DO 0,25% S), nhiên liệu đốt lò (FO). Số lượng và giá trị hao hụt của các sản phẩm không được bù trừ lẫn nhau trong một kỳ quyết toán. Riêng đối với xăng dầu được bơm chuyển trên cùng một hệ thống đường ống công nghệ, phần sản phẩm lẫn được bù trừ về số lượng. Trường hợp xảy ra hao hụt bất thường lớn hơn quy định tỷ lệ hao hụt tại Thông tư này, thương nhân kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm xác định nguyên nhân gây ra hao hụt và có biện pháp xử lý kịp thời để ngăn chặn và giảm thiểu tới mức thấp nhất các tổn thất có thể xảy ra.

Thông tư này cũng quy định về tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn nhập; tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn xuất; tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn tồn chứa; tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong công đoạn xúc rửa; tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong công đoạn pha chế; tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển; tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn chuyển tải và tỷ lệ hao hụt xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Về trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xăng dầu quy định tại Thông tư số 43/2015/TT-BCT, thương nhân kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm tổ chức quản lý hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; xây dựng, ban hành quy định cụ thể về tỷ lệ hao hụt xăng dầu nhưng không được cao hơn tỷ lệ hao hụt quy định tại Thông tư này; xây dựng, ban hành quy định về hao hụt xăng dầu trong các hoạt động kinh doanh xăng dầu và tự chịu trách nhiệm về hao hụt xăng dầu trong các hoạt động kinh doanh xăng dầu của mình; Thống kê lượng hao hụt xăng dầu hằng năm báo cáo về Bộ Công Thương (thông qua Vụ Thị trường trong nước) để phục vụ quản lý Nhà nước về hao hụt xăng dầu; Chấp hành các yêu cầu quản lý Nhà nước có liên quan đến tỷ lệ hao hụt xăng dầu quy định tại Thông tư này; Tổ chức hạch toán chi phí kinh doanh định mức theo tỷ lệ hao hụt kinh doanh xăng dầu được quy định tại Thông tư này; tổ chức khảo sát, nghiên cứu, đánh giá hao hụt xăng dầu, kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung các nội dung chưa phù hợp nếu có.

Quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2016, Nghị định số 12/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản có hiệu lực thi hành.

Nghị định này quy định rõ về đối tượng chịu phí, người nộp phí, mức thu, phương pháp tính phí và quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Theo đó đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định này là dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý, thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Ngoài phần quy định chung và điều khoản khoản thi hành, Nghị định còn quy định cụ thể danh mục, mức phí, phương pháp tính và quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng. Cụ thể như sau: Mức phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô là 100.000 đồng/tấn; đối với khí thiên nhiên, khí than 50 đồng/m3. Riêng khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dầu thô (khí đồng hành) 35 đồng/m3.

Nghị định quy định rõ, đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong quá trình khai thác than, không thu phí đến hết năm 2017.

Về quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, Nghị định quy định rõ: Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ngân sách nhà nước, theo các nội dung cụ thể sau đây: Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản; Khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

Phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ngân sách nhà nước.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bố trí sử dụng nguồn phí bảo vệ môi trường thu được cho công tác bảo vệ môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

Hằng năm, cơ quan thu phí bảo vệ môi trường có trách nhiệm công khai số phí bảo vệ môi trường do các doanh nghiệp đã nộp.

Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành mức phí mới theo quy định tại Phụ lục Biểu khung mức phí ban hành kèm theo Nghị định này thì tiếp tục áp dụng mức phí đã ban hành; riêng đối với quặng nhôm, quặng bô-xít (bauxite); fenspat, serecit và graphit, trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành mức phí mới thì áp dụng mức tối đa quy định tại Phụ lục Biểu khung mức phí ban hành kèm theo Nghị định này.

Quy định về điều kiện kinh doanh khí

Có hiệu lực từ 15/5/2016, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22/3/2016 về kinh doanh khí thay thế Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 về kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng và Điều 2 Nghị định số 118/2011/NĐ-CP ngày 16/12/2011 sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hoá lỏng. Nghị định mới điều chỉnh một số quy định về kinh doanh khí và điều kiện kinh doanh khí tại thị trường Việt Nam.

Nguồn: