Năm 2009, chính phủ mới được bầu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu “kế thừa” những bế tắc liên quan đến các mỏ khí đốt tại Dải Gaza và cuộc khủng hoảng năng lượng của Israel đã trở nên trầm trọng hơn khi Mùa xuân Arập ở Ai Cập nổ ra khiến nguồn cung khí đốt cho Tel Aviv bị gián đoạn và giảm đi 40%. Giá năng lượng tăng cao ngay sau đó góp phần làm bùng lên các cuộc biểu tình lớn nhất của người Do Thái ở Israel trong nhiều thập kỷ.
Nguồn trữ lượng khí đốt khổng lồ tại Vịnh Levantin có thể dẫn đến sự thay đổi địa chính trị tại Trung Đông.
Tuy nhiên, chính phủ của ông Netanyahu cũng tìm ra một giải pháp lâu dài cho vấn đề. Một mỏ khí đốt thiên nhiên lớn có thể bù đắp vào lượng thiếu hụt của Israel đã được phát hiện ở Vịnh Levantine, một nguồn tài nguyên thiên nhiên chủ yếu ngoài khơi phía đông Địa Trung Hải. Các quan chức Israel ngay lập tức khẳng định rằng "hầu hết" lượng khí đốt được xác nhận này nằm "bên trong lãnh thổ Israel". Điều này đã đi ngược lại những tuyên bố của Lebanon, Syria, CH Síp, và Palestine.
Bình thường, mỏ khí đốt trữ lượng lớn này có thể sẽ được khai thác một cách hiệu quả nếu các bên tranh chấp hợp tác cùng khai thác. Tuy nhiên, như Pierre Terzian, biên tập viên của tạp chí công nghiệp dầu lửa Petrostrategies, nhận định: "Tất cả các yếu tố nguy hiểm là ở đó... Đây là một khu vực mà việc phải dùng đến hành động bạo lực không phải là điều gì đó bất bình thường".
Hệ thống Vòm Sắt của Israel.
Ba năm sau khi phát hiện ra mỏ khí đốt trên, lời cảnh báo của Terzian dường như trở thành sự thật. Lebanon trở thành điểm nóng đầu tiên. Đầu năm 2011, chính phủ Israel tuyên bố đơn phương khai thác 2 mỏ khí, chiếm khoảng 10% lượng khí đốt tại Vịnh Levantine, nằm ở vùng biển tranh chấp gần biên giới Israel - Lebanon. Bộ trưởng Năng lượng Lebanon Gebran Bassil ngay lập tức đe dọa về một cuộc đối đầu quân sự, khẳng định rằng Lebanon sẽ "không cho phép Israel hoặc bất kỳ công ty nào hoạt động vì lợi ích của Israel khai thác số lượng lớn khí đốt nằm trong khu vực của chúng tôi". Hezbollah, lực lượng chính trị mạnh nhất ở Lebanon, cam kết thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa nếu "chỉ một mét khối" khí đốt tự nhiên được Israel chiết xuất từ các mỏ thuộc khu vực đang tranh chấp.
Ngược lại, Bộ trưởng Tài nguyên Israel đã không thèm đếm xỉa đến thách thức trên, khẳng định rằng "những khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Israel” và “chúng tôi sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực và sức mạnh của chúng tôi để bảo vệ luật biển quốc tế". Nhà báo Terzian đã phân tích về những thực tế của cuộc đối đầu trên như sau: "Trong điều kiện thực tế... không ai đầu tư với Lebanon trong vùng biển tranh chấp. Không có công ty nào của Lebanon có khả năng khai thác và không có lực lượng quân sự nào có thể bảo vệ họ. Nhưng ở phía bên kia (Israel), mọi thứ hoàn toàn khác. Các công ty của Israel có khả năng hoạt động ở vùng biển xa bờ, và họ có thể mạo hiểm dưới sự bảo vệ của quân đội Israel”.
Do vậy, Israel đã tiếp tục thăm dò và khai thác tại hai mỏ khí trong khu vực tranh chấp, đồng thời triển khai các máy bay để bảo vệ các cơ sở này. Trong khi đó, chính phủ Netanyahu đã đầu tư nhiều nguồn lực lớn trong việc chuẩn bị cho các cuộc đối đầu quân sự có khả năng xảy ra tại khu vực. Với sự tài trợ “hào phóng” của Mỹ, nước này đã phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt, một phần là để đánh chặn những tên lửa và đạn pháo của Hezbollah và Hamas nhằm vào các cơ sở năng lượng của Israel. Tel Aviv cũng tăng cường lực lượng hải quân, tập trung vào khả năng ngăn chặn hoặc đẩy lùi các mối đe dọa nhằm vào các cơ sở năng lượng ở ngoài khơi. Đầu năm 2011, Israel đã tiến hành một số cuộc không kích nhằm vào Syria, mà theo các quan chức Mỹ là nhằm “ngăn chặn việc chuyển các hệ thống tên lửa tiên tiến” cho Hezbollah.
Tuy nhiên, Hezbollah tiếp tục tăng cường kho dự trữ tên lửa có khả năng phá hủy các cơ sở của Israel. Bên cạnh đó, năm 2013, Lebanon đã tiến hành đàm phán với Nga, mục đích nhằm thu hút các công ty năng lượng của Nga hợp tác khai thác khí đốt ngoài khơi nước này, với hy vọng lực lượng hải quân “đáng gờm” của Nga có thể sẽ giúp bảo vệ những khu vực có "tranh chấp lâu dài với Israel”.
Đến đầu năm 2015, tình trạng răn đe lẫn nhau đã xuất hiện. Mặc dù Israel đã thành công trong việc kêu gọi đầu tư phát triển hai mỏ khí đốt trên, nhưng việc khai thác ở một cấp độ lớn hơn đã bị đình trệ vô thời hạn "do tình hình an ninh”. Nhà thầu Mỹ Noble Energy do Israel thuê đã không sẵn sàng đầu tư 6 tỷ USD cho các cơ sở được cho là dễ bị Hezbollah tấn công và có thể nằm trong “tầm hỏa lực” của hải quân Nga. Về phía Lebanon, bất chấp sự hiện diện ngày càng tăng của hải quân Nga trong khu vực, không có hoạt động khai thác nào được tiến hành.
Trong khi đó, tại Syria, nơi mà bạo lực đang lan rộng và đất nước rơi vào một cuộc xung đột vũ trang, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad phải đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng từ các nhóm chiến binh thánh chiến. Ông Assad đã phải đàm phán, đề nghị Nga hỗ trợ quân sự để đổi lấy một hợp đồng thời hạn 25 năm nhằm phát triển các mỏ khí đốt ở Vịnh Levantine mà Damascus tuyên bố chủ quyền. Thỏa thuận này cũng bao gồm một sự mở rộng căn cứ hải quân Nga tại thành phố cảng Tartus, đảm bảo sự hiện diện lớn hơn của hải quân Nga ở Vịnh Levantine.
Đón đọc kỳ cuối: Quân sự hóa khu vực
TIN KHÁC
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Nhật Bản thử nghiệm thành công tàu hybrid sử dụng pin hydro và diesel sinh học(08/04/2024)