Giàn khoan kháng băng là không thể thiếu trong khai thác dầu khí ở các vùng biển đóng băng gần như quanh năm. Loại giàn này có những đặc điểm gì?
Một giàn khoan kháng băng
Giàn khoan kháng băng (GKKB) có các chức năng như sau:
Khoan giếng thăm dò, giếng khai thác;
Khai thác dầu, khí đồng hành, bơm nước vào địa khối;
Phục vụ công tác chuẩn bị cho khai thác dầu và khí đốt;
Làm bể chứa dầu tạm thời;
Bơm dầu cho tàu vận chuyển con thoi.
GKKB đứng được trên đáy biển nhờ vào trọng lực của bản thân nó, được bảo vệ chống xói bằng gờ đá có chiều cao 2,5 m; giàn được làm bằng thép chịu lạnh, chống chịu được tác động của sóng và băng.
Mặt ngoài của phần chìm (chịu tác động của băng) được làm bằng thép không gỉ. Vật liệu xây dựng làm bằng hợp kim đặc biệt có khả năng kháng nhiệt độ thấp.
Để bảo vệ chống lại độ ẩm cao và môi trường biển ăn mòn, người ta sử dụng một lớp sơn phủ đặc biệt kết hợp với hệ thống bảo vệ bằng katode và anode.
Để ngăn chặn các hiện tượng phun trào dầu-khí-nước, quá trình khoan được kiểm soát bởi các chuyên gia có nhiệm vụ đo đạc tất cả các thông số địa chất và kỹ thuật, và trong trường hợp khẩn cấp thì có thể che miệng giếng để ngăn ngừa sự phát thải có thể xảy ra.
Để giếng khoan hoạt động an toàn, người ta sử dụng van an toàn sâu. Miệng của mỗi giếng cũng được trang bị van thủy lực lắp đặt theo phương nằm ngang, điều khiển từ xa. Van ngắt-mở và van thủy lực được điều khiển tự động bởi hệ thống an toàn. Hệ thống an toàn có thể kiểm soát quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ và giảm tải, quản lý nhiệt lượng, hệ thống hỗ trợ sự sống, cũng như để theo dõi nguy cơ hỏa hoạn, kịp thời ngăn chặn toàn bộ quy trình kỹ thuật khi xuất hiện nguy cơ xảy ra tai nạn.
Sản phẩm dầu được lưu giữ tạm trong giếng ngầm nằm trong phần chìm của giàn khoan. Thiết kế này đòi hỏi các yêu cầu an toàn bổ sung. Để ngăn chặn rò rỉ hơi hydrocarbon vào không gian bên trên giếng chìm, trong bể lưu người ta sử dụng phương pháp trữ dầu "ẩm". Đây là phương pháp lưu trữ dầu loại bỏ oxy xâm nhập vào kho trữ và tránh được sự hình thành môi trường dễ cháy nổ trong nó.
Dầu từ kho trữ ngầm tạm thời của giàn khoan sẽ được bơm qua tàu vận chuyển con thoi để đưa vào đất liền.
Để ngăn chặn sự cố tràn dầu trong quá trình chuyển giao sản phẩm cho các tàu chở dầu, hệ thống bơm dầu được trang bị một van dừng khẩn cấp.
Các tàu chở dầu con thoi không được phép neo đậu có tiếp xúc trực tiếp với GKKB. Để loại bỏ sự va chạm vô tình với tàu, GKKB được trang bị một hệ thống định vị động, xác định vị trí cần thiết cho các tàu chở dầu con thoi neo đậu.
Trên GKKB có tất cả các hệ thống cần thiết để đảm bảo các điều kiện an toàn cho việc thực hiện các quy trình sản xuất, làm việc và nghỉ ngơi của các nhân viên, cũng như các phương tiện tiện cứu sinh cần thiết dành cho nhân viên nhà giàn.
Các hệ thống sơ tán và cứu nạn GKKB bao gồm hành lang di tản được chiếu sáng tự động khẩn cấp và tường chịu lửa 120 phút, một nơi trú ẩn tạm thời cho các nhân viên tại sàn lửng, cầu thoát hiểm, bè cứu sinh, thiết bị cứu hộ cá nhân (áo phao, phao tròn, quần áo giữ nhiệt dưới nước…) và cuối cùng là thuyền cứu hộ dạng khép kín có công suất lớn.
TIN KHÁC
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Nhật Bản thử nghiệm thành công tàu hybrid sử dụng pin hydro và diesel sinh học(08/04/2024)