Kế hoạch “cai” dầu lửa Saudi Arabia
07:13 SA @ Thứ Năm - 12 Tháng Năm, 2016

2.000 tỷ USD để “cai” dầu lửa là kế hoạch cải tổ quy mô và đầy tham vọng của Saudi Arabia cho giai đoạn 2030. Mục tiêu đề ra nhằm giảm bớt mức độ lệ thuộc của nền kinh tế nước này vào vàng đen.

Nhân viên vận hành đường ống dẫn dầu của Tập đoàn Saudi Aramco

Là một quốc gia với 70% thu nhập và 40% tổng kim ngạch xuất khẩu có được nhờ dầu hỏa, khi giá dầu rơi xuống còn trên dưới 30USD/thùng, bội chi ngân sách của Saudi Arabia tăng vọt lên 10 tỷ USD, tương đương 15% GDP. Sau nhiều thập niên lệ thuộc vào dầu mỏ, Riyadh đã ý thức đến lúc cần thích nghi với hoàn cảnh trong thế giới mở rộng và toàn cầu hóa, để tiếp tục là nền kinh tế số 1 trong số các nước Arab. Theo thẩm định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP tại xứ dầu mỏ này trong 2016 còn giảm thêm 1,2% nữa sau khi đã giảm 3,4% trong năm 2015. IMF cảnh báo, nếu cứ khoanh tay ngồi nhìn, chỉ 5 năm nữa Saudi Arabia sẽ thiếu hụt thanh khoản.

Trong bối cảnh đó, Saudi Arabia đã đưa ra kế hoạch phát triển cho giai đoạn 15 năm tới. Riyadh phác họa một số hướng phát triển như: Thứ nhất, đẩy mạnh ngành năng lượng, chủ yếu là khí đốt và năng lượng tái tạo. Thứ hai, ngành công nghệ khai thác khoáng sản. Thứ ba, công nghiệp trong đó bao gồm công nghệ quốc phòng, kỹ thuật số và sau cùng là đẩy mạnh đầu tư trong ngành giáo dục. Câu hỏi là chi phí ở đâu để phục vụ kế hoạch chuyển đổi mô hình kinh tế của Saudi Arabia? Chuyên gia dầu mỏ Francis Perrin, của Tạp chí Dầu khí Arab, đã nêu lên nghịch lý đó là dùng tiền bán dầu lửa để “cai” dầu lửa. Trước hết, chính phủ Saudi Arabia lần đầu tiên thông báo tư hữu hóa 5% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí quốc gia

Saudi Aramco để thành lập một quỹ đầu tư của nhà nước trị giá 2.000 tỷ USD. Quỹ này được sử dụng để tìm hướng phát triển mới cho nền kinh tế quốc gia, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế và nhất là giảm bớt mức độ lệ thuộc vào dầu hỏa.

Nói về kế hoạch chuyển đổi của Saudi Arabia, ông Perrin nhận định 15 năm là quãng thời gian vừa quá ngắn mà lại cũng quá dài. Quá ngắn để chuyển từ một mô hình kinh tế chủ yếu dựa vào dầu mỏ, đã vận hành ngót 1 thế kỷ nay, sang một mô hình khác. Và cũng khá dài và nhiều bất ngờ có thể xảy tới. Nhưng rõ ràng đến năm 2030, Saudi Arabia vẫn sẽ tiếp tục là một quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới. Việc “cai” dầu lửa thực chất chỉ giảm bớt mức độ lệ thuộc vào nguồn năng lượng này. Điều đó có nghĩa dầu lửa sẽ có một vị trí hẹp hơn so với hiện nay trong cán cân thương mại, trong ngân sách nhà nước và cả GDP của Saudi Arabia.

Trong khi đó, theo quan điểm của Chủ tịch Trung tâm Dầu khí CHNC Jean-Louis Schilansky, đối với Saudi Arabia trong chiến lược chuyển mình này, nói thì dễ nhưng làm rất khó. Bởi Saudi Arabia là nguồn xuất khẩu dầu số 1 của thế giới và mỗi ngày thu về 300 triệu USD. Lượng dầu Saudi Arabia xuất khẩu ra thế giới cao gấp 5 lần so với nhu cầu của Pháp. Saudi Arabia sẽ khó giảm mức độ lệ thuộc vào vàng đen.

Một số chuyên gia khác cho rằng kế hoạch cải tổ sâu rộng kinh tế Saudi Arabia không dễ thay đổi bộ mặt kinh tế của quốc gia 30 triệu dân này. Lại càng không dễ cải tổ một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công việc làm của 61.000 nhân viên, bảo đảm đến 90% ngân sách nhà nước, bầu sữa tại một vương quốc có tới 90% người lao động là công nhân viên chức. Chính sách cải tổ trên còn có thể gặp nhiều chống đối, nhất là khi dân chúng sẽ phải trả giá xăng dầu đắt đỏ hơn. Công cuộc cải tổ sẽ đem lại nhiều căng thẳng và thách thức trong xã hội.

Nguồn: