Kỳ 2: 302 trang báo cáo và triển vọng dầu khí ở vùng bồn trũng sông Hồng
03:03 SA @ Thứ Năm - 04 Tháng Mười Một, 2021

Những nhận định đầu tiên về triển vọng dầu khí tại Việt Nam được chuyên gia Nga đưa ra năm 1959 trong bản Kế hoạch công tác phát hiện những vùng có triển vọng dầu lửa ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay sau đó, Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi tiếp theo nhằm cụ thể hoá hơn công cuộc thăm dò và khai thác dầu khí. 302 trang báo cáo là kết quả sau hơn 1 năm các chuyên gia cả Liên Xô, cả Việt Nam đi khảo sát trên lộ trình gần 25.000km. Triển vọng khả quan và hy vọng được gửi gắm vào vùng bồn trũng sông Hồng. Đây là công trình có quy mô lớn đầu tiên của nước ta về nghiên cứu địa chất và đánh giá triển vọng dầu khí trên một vùng lãnh thổ rộng lớn. Bản báo cáo này là cơ sở quan trọng ban đầu định hướng một cách khoa học cho công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí về sau.

Cuộc gặp ở ga Hàng Cỏ

Năm 1959, Chính phủ Việt Nam đã cho phép Tổng cục Địa chất ký hợp đồng số 9431 với Bộ Địa chất Liên Xô về nghiên cứu địa chất, đánh giá triển vọng dầu khí ở Việt Nam. Hợp đồng trên được bắt đầu triển khai từ ngày 27/6/1959, với việc thành lập Đội khảo sát nghiên cứu địa chất dầu khí bao gồm: chuyên gia S.K. Kitovani, kỹ sư trưởng địa chất khu vực về dầu mỏ, cán bộ địa chất Nguyễn Giao, Trần Văn Trị, Nguyễn Bá Nguyên, Nguyễn Đức Lạc…

Tháng 6/1959, chuyên gia S.K. Kitovani sau hành trình nhiều nghìn km bằng tàu hoả đã đến ga Hàng Cỏ (Hà Nội). Ra đón ông có các cán bộ địa chất Trần Văn Trị, Nguyễn Giao và một số người liên quan. Những người Việt và một người Nga gặp nhau trong sự hân hoan, và hy vọng về một sự hợp tác có kết quả tốt đẹp. Cuộc gặp ở ga Hàng Cỏ đánh dấu một cột mốc lịch sử cho sự ra đời của bản báo cáo triển vọng dầu khí đầu tiên của nước ta. Sau cuộc gặp đó, gần như ngay lập tức, họ bắt tay vào công việc với những trang thiết bị rất đơn giản, thiếu thốn .

Kỳ 2:302 trang báo cáo và triển vọng dầu khí ở vùng bồn trũng sông Hồng
Ông Trần Văn Trị (bên trái), ông Nguyễn Giao (bên phải) đón chuyên gia Kitovani ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội năm 1959.

Ông Nguyễn Giao (người sau này trở thành Tổng Giám đốc Liên doanh Vietsovpetro) kể lại trong cuốn Lịch sử Dầu khí Việt Nam rằng: “Trang thiết bị kỹ thuật của đội chúng tôi rất đơn sơ gồm các bản đồ địa hình tỷ lệ 1/100.000, búa địa chất, địa bàn, sổ ghi chép, túi đựng mẫu đá và hoá thạch, ba lô địa chất, giày vải để leo núi…, còn quần áo bảo hộ lao động lúc đó chưa được trang bị, chúng tôi có gì mặc nấy… nhưng cũng cố gắng ăn diện càng đẹp càng tốt vì lúc ấy chúng tôi còn trẻ quá! Mỗi chuyến lộ trình khảo sát ngắn nhất là một tuần, dài nhất là gần một tháng. Sau mỗi chuyến lộ trình, cả đội được ở Hà Nội khoảng một tuần để chuẩn bị cho chuyến lộ trình tiếp theo”.

Hỗ trợ đi lộ trình khảo sát cho các chuyên gia có 1 bác sĩ, 2 nhân viên giao tế phục vụ chuyên gia, 2 công an bảo vệ và dẫn đường, 2 lái xe 2 xe Com-măng-ca của Đoàn xe 12 Cục Chuyên gia. Ròng rã hơn một năm trời, từ tháng 7/1959 đến tháng 8/1960, chuyên gia S.K.Kitovani và các cán bộ Việt Nam đã triển khai khảo sát thực địa từ vĩ tuyến 17 trở ra, qua các vùng Tây Bắc, Việt Bắc, trung du, đồng bằng, hải đảo, dọc theo núi cao, suối sâu…

Trong báo cáo sau này của chuyên gia S.K.Kitovani có viết: “Trong giai đoạn từ tháng 7 năm 1959 tới tháng 8 năm 1960, chúng tôi đã hoàn thành 11 các lộ trình khảo sát trên lãnh thổ Việt Nam với tổng chiều dài gần 25 nghìn km. Đã hoàn tất việc ghi chép tỉ mỉ hơn 1000 điểm lộ vỉa, đã tìm ra và chọn lựa xong hệ động thực vật của các kỷ Thượng sinh, Trung sinh và Tân sinh tại hơn 90 các điểm khác nhau”.

“Toàn dân báo quặng”

Thời điểm những năm 1960, những người làm địa chất vô cùng hiếm, thông tin về lĩnh vực này lại ít ỏi. Chính vì thiếu nhân sự và thông tin, chính quyền đã phát động phong trào “Toàn dân báo quặng”. Mục đích của phong trào này là để thu thập các dữ liệu về tài nguyên khoáng sản từ những người dân, trong đó có cả thông tin về những biểu hiện dầu khí trên bề mặt. Nhắc đến phong trào này, cuốn sách “Đường tới kho báu rồng vàng” (viết về sự hợp tác giữa Liên bang Nga và Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí) của các tác giả V. S. Vovk, V. G. Osmanov, Yu. V. Evdoshenko có viết: “Lời kêu gọi của chính quyền đã nhận được phản hồi là một số lượng lớn các bức thư viết từ các địa điểm được coi là có quặng. Tác giả của những bức thư này thường vẽ kèm những sơ đồ sơ sài về những nơi mà họ cho là mỏ quặng. Cũng có những bức thư từ những người rất cao tuổi, lúc lâm chung họ có nguyện vọng nêu tên những địa điểm mà theo họ có thể có mỏ khoáng sản. Ví dụ, trong bức thư mà tác giả là các phụ lão từ tỉnh Nghệ Tĩnh (là tỉnh được hợp nhất từ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh), có những dòng thông tin như sau: Trong vòng những năm 1930–1940, thực dân Pháp bắt chúng tôi tham gia xây dựng kênh đào từ huyện Nam Đàn tới thành phố Vinh. Ở một số nơi, dưới độ sâu hơn 10 mét chúng tôi cảm thấy có mùi khét. Khi châm diêm, một ngọn lửa xanh ngắt bùng lên. Từ dưới lòng đất ứa ra dòng nước màu hơi vàng, có những vết loang trên mặt nước”.

Kỳ 2:302 trang báo cáo và triển vọng dầu khí ở vùng bồn trũng sông Hồng
Đoàn của chuyên gia S.K. Kitovani tại một tỉnh miền núi phía Bắc năm 1961. (Ảnh tư liệu).

Nói phong trào này, ông Nguyễn Giao kể, qua phong trào “toàn dân báo quặng” thời ấy, các chuyên gia nhận được các thông báo về biểu hiện dầu khí ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, gần biên giới Việt – Lào. Khi xe ôtô của đoàn đi khảo sát thì bị ngập nước và chết máy ở một con suối. Ông Nguyễn Giao vội chạy vào một bản làng gần đó và nhờ dân địa phương đẩy giúp xe lên nhưng xe không chuyển bánh. Ông Giao lại chạy vào bản nhờ cho mượn mấy con trâu ra kéo nhưng vẫn không được. Khi đó mọi người vừa đói vừa rét, ông Nguyễn Giao quyết định cử anh bảo vệ trở về đồn biên phòng đưa chiếc xe thứ hai của đội ra kéo xe lên. “Xe thứ hai đến và kéo được xe ôtô lên thì cũng là lúc tôi bị ngất, ngã trôi theo dòng nước. Rất may, khi tôi bị trôi hơn chục mét, anh em kịp phát hiện, bơi theo và vớt được tôi lên, đốt lửa sưởi ấm cho tôi, ông Kitovani cởi áo ấm của mình khoác cho tôi, dần dần tôi tỉnh dậy, và cuộc hành trình kiểm tra xác minh thông tin báo quặng lại tiếp tục. Những kỷ niệm trên thật đẹp, cảm động và tràn đầy tình cảm yêu thương chân thành của các đồng nghiệp, đặc biệt là ông Kitovani - tôi không thể nào quên”, ông Giao nhớ lại.

Có thể, những thông tin từ quần chúng nhân dân không đem lại những kết quả cụ thể trong việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí tại Việt Nam; nhưng kể những câu chuyện này để thấy từng có một thời, cả Chính phủ lẫn người dân Việt Nam trên dưới đồng lòng đi tìm những triển vọng dầu khí, nhằm tìm kiếm nguồn “vàng đen” làm giàu cho Tổ quốc.

Triển vọng ở vùng bồn trũng sông Hồng

Sau rất nhiều sự gian khổ và cố gắng, một bản báo cáo dày 302 trang được chuyên gia S.K.Kitovani và các cộng sự Việt Nam hoàn thành vào tháng 4/1961. Bản báo cáo được đánh máy bằng tiếng Nga, kèm theo các bản vẽ về các mặt cắt địa chất, cột địa tầng đặc trưng cho từng vùng, bản đồ tướng đá, cổ địa lý cho từng thời kỳ, bản đồ phân vùng kiến tạo địa chất và đặc biệt là bản đồ phân vùng triển vọng dầu khí nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tỷ lệ 1/500.000. Trong bản báo cáo ấy, có hai phần quan trọng được chia ra, đó là địa chất và dầu khí. Trong đó, phần địa chất gồm các vấn đề địa tầng, kiến tạo, tướng đá, cổ địa lý, lịch sử địa chất và phân vùng kiến tạo miền Bắc Việt Nam. Còn phần dầu khí xem xét các vấn đề: các dấu hiệu dầu mỏ trực tiếp và gián tiếp, đặc điểm địa hoá, môi trường các bể trầm tích theo từng thời kỳ, biến chất và tính chất chứa của đất đá…

Kỳ 2:302 trang báo cáo và triển vọng dầu khí ở vùng bồn trũng sông Hồng
Bản đồ phân vùng triển vọng dầu khí tại miền Bắc Việt Nam của chuyên gia S.K.Kitovani.

Chuyên gia S.K.Kitovani và các cộng sự Việt Nam đi đến những thống nhất rằng, trên toàn lãnh thổ miền Bắc Việt Nam sẽ được chia thành các khu vực triển vọng, ít triển vọng, không triển vọng và các khu vực cần nghiên cứu tiếp. Trong đó triển vọng ưu tiên số 1 là bồn trũng giữa núi của châu thổ sông Hồng. Sau đó là khu vực Đông Bắc - Bắc Bộ, bao gồm các trầm tích lục nguyên và lục nguyên - carbonat tuổi Trias (vùng trũng An Châu). Rất nhiều dấu hiệu cho thấy có dầu mỏ tại Việt Nam, tuy nhiên, những người tìm kiếm nó phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho một công việc phức tạp hơn. Đó là tìm kiếm dầu khí tại vùng bồn trũng sông Hồng, một vùng có diện tích trên 15.000 km2.

Những nhận định của các chuyên gia trong bản báo cáo triển vọng dầu khí đầu tiên của Việt Nam đã mở ra một thời kỳ mới trong việc tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại nước ta. Và cũng từ bản báo cáo này, những tổ chức dầu khí đầu tiên đã được thành lập nhằm hiện thực hoá ước mong của Bác Hồ về một nền công nghiệp dầu khí phát triển tại Việt Nam. Sau rất nhiều thời gian, với hàng trăm giếng khoan, Việt Nam đã tìm thấy khí lần đầu tiên tại Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vào năm 1975. Đây là thành quả của rất nhiều năm tháng trường chinh đi tìm lửa trong lòng đất và chứng minh tầm nhìn thiên tài của Bác Hồ. Và từ phát hiện này, những dòng khí thương mại đầu tiên tại mỏ khí Tiền Hải C đã được đưa vào khai thác năm 1981, thay đổi bộ mặt kinh tế của tỉnh Thái Bình, góp phần tự chủ năng lượng cho miền Bắc.

Kỳ 2:302 trang báo cáo và triển vọng dầu khí ở vùng bồn trũng sông Hồng
Giếng 61 - giếng khoan tìm thấy khí đầu tiên của Việt Nam.

Nói về những đóng góp của mỏ khí này, ông Đặng Trọng Thăng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, nhờ có nguồn khí mỏ Tiền Hải C, Thái Bình đã hình thành được KCN Tiền Hải. Các doanh nghiệp tại KCN này sản xuất nhiều sản phẩm: Gạch ốp lát ceramic, granit, sứ vệ sinh, sứ mỹ nghệ, sứ dân dụng, sứ cách điện, thủy tinh dân dụng, thủy tinh y tế, thủy tinh màu cao cấp, xi măng trắng…, trong đó có một số sản phẩm sứ vệ sinh, gạch ốp lát đã xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ…, doanh thu thời đó đạt 360 tỉ đồng/năm, đóng góp ngân sách 9,5 tỉ đồng/năm, thu hút hơn 6.000 lao động, đóng góp lớn vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình.

Đón xem kỳ sau: Những chuyên gia dầu khí Liên Xô đầu tiên tại Việt Nam

Nguồn: