Mùa xuân năm 1973, đường ống xăng dầu từ Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn được kéo dài và gặp nhau tại ngã ba biên giới ở Plây Khốc. Vượt qua qua mưa bom bão đạn của máy bay Mỹ, vượt qua những đỉnh núi cao hàng nghìn mét, tuyến đường ống xăng dầu “huyền thoại của huyền thoại” này đã đưa được nguồn nhiên liệu quý giá vào tận miền Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương Binh, Liệt sĩ (27/7), Tạp chí Khám phá trân trọng giới thiệu loạt bài về Đường ống dẫn xăng dầu xuyên dọc Trường Sơn phục vụ suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước. Đây là công trình vĩ đại ít người biết đến, kể cả người Mỹ, người Trung Quốc, thậm chí là cả với các chuyên gia Liên Xô trước đây. Loạt bài trích trong cuốn “5 đường mòn Hồ Chí Minh” của nhà nghiên cứu Đặng Phong do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành.
Cán bộ chiến sĩ ngành xăng dầu Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đối với công trình này, Ngân hàng Kiến thiết phải thành lập một chi nhánh đặc biệt ở Hữu Lũng, Lạng Sơn để cấp phát vốn xây dựng. Người phụ trách chi nhánh này là ông Huỳnh Quang Huy hiện còn sống ở Hữu Lũng, năm nay đã hơn tám mươi tuổi, còn tỉnh táo, ông cho biết:
"Hồi đó tôi phải đạp xe, có khi đi bộ đến tận nơi để thẩm định việc thiết kế đường ống dẫn xăng dầu thế nào. Từ đó mới cấp tiền cho công trình tiếp nhận xăng dầu, có mật danh là B.12. Làm đường ống dẫn dầu cũng là một nhiệm vụ rất gian nan và nhiều hiểm nguy, bởi vì vừa phải chịu mưa bom của máy bay Mỹ lại vừa thường xuyên phải đối đầu với bọn biệt kích của địch lẻn vào đánh mìn, phá hoại.
Mạng lưới đường ống dẫn dầu dài hơn 5.000 km nêu trên là tính từ biên giới phía Bắc nước ta, bắt đầu từ hai điểm đầu mối tiếp nhận thuộc tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Lạng Sơn; còn điểm khởi đầu là từ cảng Phòng Thành, Trung Quốc. Những con tàu lớn chở xăng, dầu từ Liên Xô cập cảng Phòng Thành và nguồn nhiên liệu từ đó sẽ theo hệ thống đường ống như những mạch máu chảy vào phía Nam, cung ứng một nguồn vật chất hết sức thiết yếu cho những chiến dịch, cho từng trận đánh …
Trong thời chiến, hệ thống đường ống này vừa tăng nhanh khối lượng xăng, dầu vận chuyển ra tiền tuyến, vừa giảm được rất nhiều hy sinh, tổn thất cho những chiến sĩ lái xe và xe tải chở nhiên liệu. Hệ thống đường ống tuỳ theo địa hình có đoạn nổi, đoạn chìm, có đoạn vắt qua suối, luồn dưới dòng sông... nhưng phần lớn nằm trên địa bàn rừng núi hoang vắng hoặc dân cư thưa thớt, khí hậu khắc nghiệt..
Những Cán bộ Ngân hàng Kiến thiết biệt phái đã cùng các chiến sĩ, dân công, đồng bào dân tộc thiểu số trải qua vài ba mùa đông buốt giá suốt quá trình xây lắp và vận hành đường ống này nơi núi cao, rừng thẳm đó." (Ông Huỳnh Quang Huy kể lại trong Tài liệu phục vụ kỷ niệm 50 năm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam).
Một cán bộ chuyên quản công trình B.12 là ông Nguyễn Xuân Vượng kể:
"Công trình xăng dầu cung cấp cho tiền tuyến được lấy mật danh là Công trình thủy lợi B.12. Tuyến ống bắt đầu từ Quảng Ninh (cảng B.12) và Lạng Sơn, qua các tỉnh Hà Bắc, Hải Hưng, Hà Tây, Ninh Bình, Thanh Hóa, Tây Nguyên đến tận miền Nam.
Trực tiếp cấp phát vốn xây dựng tuyến xăng dầu B.12 là Phòng cấp phát B.12 đặt tại Hội sở Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam ở Hà Nội. Phòng do ông Thơ làm Trưởng phòng, các ông Tú, ông Hòa làm Phó Trưởng phòng và hai nhân viên. Các chi nhánh Quảng Ninh, Lạng Sơn... trực tiếp quản lý các xí nghiệp xây lắp nhận thầu thi công tuyến ống và phối hợp với Phòng cấp phát B.12 ở Trung ương trong việc giám sát chất lượng, tiến độ, khối lượng, nghiệm thu." (Ông Nguyễn Xuân Vượng kể với tác giả tại trụ sở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.)
Máy bay Mỹ rải chất độc da cam xuống rừng Trường Sơn.
Đến mùa xuân năm 1973, sau khi ký Hiệp định Paris, vấn đề đặt ra là phải triển khai gấp lực lượng ở phía Nam để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công. Đường ống xăng dầu từ cả Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn đã được kéo dài và gặp nhau tại ngã ba biên giới ở Plây Khốc. Từ đó đường ống được lắp đặt qua những đỉnh núi cao hàng nghìn mét, vượt qua A Lưới, qua Đá Bàn, tới Bù Lạt, thuộc Tây Thừa Thiên rồi đi vào Bến Giàng, Tây Quảng Nam, vào đến tận Khâm Đức. Đến Kontum đường ống đi tiếp vào tới Đông Nam Bộ, mà trạm cuối cùng là trạm Bù Gia Mập.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn kể:
"Từ đây, nhiên liệu đã thực sự thỏa mãn kịp thời cho vận tải, đảm bảo yêu cầu cơ động cao của các quân và binh chủng với mọi quy mô, mọi thời gian, mọi địa điểm, phục vụ đắc lực cho các chiến dịch." (Đồng Sĩ Nguyên. Đường Hồ Chí Minh - Một sáng tạo chiến lược của Đảng ta. Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1999, sđd, tr.55.)
Đến lúc này, toàn bộ hệ thống vận tải đã có 16.455 xe cơ giới hoạt động. Do đó nhu cầu về nhiên liệu rất lớn, không thể tổ chức cung ứng theo hệ thống cũ. Đoàn 559 đã tổ chức cả một hệ thống các kho trạm cung ứng xăng, đặt mật hiệu là "Ô". Có hàng chục "Ô" được đặt rải rác trên hệ thống đường Hồ Chí Minh.
Có 4 trung đoàn chuyên trách hệ thống ống và kho xăng dầu cung cấp cho các tuyến đường. Tổng số hệ thống kho là 50 kho dã chiến liên hoàn, có trữ lượng 27.050 m3 nhiên liệu, với 114 trạm bơm đẩy với công suất bơm 600-800 m3/ngày. (Con số của Đại tá Mai Trọng Phước, Cục trưởng Cục Xăng dầu, trong “Hồi ký Trường Sơn".
TIN KHÁC
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Nhật Bản thử nghiệm thành công tàu hybrid sử dụng pin hydro và diesel sinh học(08/04/2024)