Phát triển xăng dầu sinh học làm từ dầu cọ
11:15 CH @ Chủ Nhật - 14 Tháng Mười Một, 2021

Vừa qua, Indonesia đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm đầu tiên sử dụng một phần nhiên liệu là xăng làm từ dầu cọ. Máy bay đã bay hơn 100 km từ Thủ đô Jakarta đến thành phố lân cận Bandung.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về dự án sản xuất dầu diesel hoàn toàn từ dầu cọ do công ty dầu khí nhà nước Pertamina phát triển, Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết: "Với tư cách là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, Indonesia phải đổi mới cách ứng dụng dầu cọ, trong đó có việc phát triển dầu diesel sinh học, nhiên liệu phản lực sinh học và tiếp tục chương trình D100."

Indonesia hiện đang triển khai chương trình diesel sinh học bắt buộc với hàm lượng dầu cọ 30%, được gọi là B30. Chính phủ muốn mở rộng việc ứng dụng dầu thực vật vào năng lượng và cắt giảm nhập khẩu nhiên liệu. Dự kiến, nó sẽ đạt đến giai đoạn B50 vào năm 2025.

Nhiên liệu phản lực sinh học sử dụng trong chuyến bay thử nghiệm vừa qua chỉ chứa 2,4% thành phần dầu cọ. Chính phủ Indonesia yêu cầu tăng mức dầu cọ trong nhiên liệu phản lực sinh học lên 5% vào năm 2025.

Bộ Năng lượng Indonesia cho biết thị trường nhiên liệu phản lực sinh học, với giả định mức tiêu thụ hàng ngày là 14.000 kilolit, sẽ có một thị trường tiềm năng trị giá 1,1 nghìn tỷ rupiah (77,25 triệu USD) hàng năm.

Dadan Kusdiana, Tổng giám đốc về năng lượng tái tạo của Bộ Năng lượng chia sẻ: “Chúng tôi cần 120.000 kilolit (dầu cọ) mỗi năm, đồng thời cần thêm nhiều nghiên cứu về việc thương mại hóa loại nhiên liệu này.

Mặc dù diesel sinh học hứa hẹn lượng khí thải carbon thấp hơn đáng kể nhưng lại kéo theo những hệ quả đáng lo ngại khi người dân đua nhau phá rừng để trồng cọ. Vì lý do này, hiện Liên minh Châu Âu đang xem xét cấm nhiên liệu sinh học làm từ dầu cọ. Chưa kể trong tương lai, nhiên liệu sinh học cũng sẽ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của phương tiện chạy điện. Trong một báo cáo của Viện nghiên cứu chính sách Indonesia, nếu theo kịch bản thông thường, nhu cầu nhiên liệu sinh học ở Indonesia sẽ đạt 190 triệu tấn vào năm 2050. Nhưng nếu thị phần EV tăng, nhu cầu nhiên liệu sinh học có thể chỉ đạt 93 triệu tấn vào năm 2050.

Bên cạnh dầu diesel sinh học, Chính phủ cũng đang tìm cách phát triển xăng sinh học từ dầu cọ. Ông Djoko Siswanto, Tổng thư ký của Hội đồng Năng lượng Quốc gia (DEN) cho biết, xăng sinh học làm từ cọ rất đắt vì mới chỉ được sản xuất quy mô nhỏ. "Vấn đề là làm thế nào chúng ta bán được sản phẩm này với giá tương đương với xăng từ nhiên liệu hóa thạch. Nếu chúng tôi sản xuất với quy mô lớn, giá cả có thể cạnh tranh được. Nhưng hiện nay, việc sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ nên chi phí rất lớn."

Nguồn: