Saudi Arabia với kế hoạch thoát khỏi ảnh hưởng của dầu mỏ (Phần I)
07:17 SA @ Thứ Hai - 20 Tháng Sáu, 2016

Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã đưa ra kế hoạch tái cấu trúc sâu rộng nền kinh tế vào năm 2030, với mục tiêu thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ vào cuối thập kỷ tới.

Saudi Arabia với kế hoạch thoát khỏi ảnh hưởng của dầu mỏ. Ảnh: wsj

Trong bối cảnh giá dầu sa sút mạnh thời gian qua, Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới - đã đưa ra kế hoạch tái cấu trúc mang tên "Tầm nhìn Kinh tế 2030".

Kế hoạch được đánh giá là "đúng hướng", song Saudi Arabia sẽ khó thực hiện thành công theo đúng lộ trình vì một loạt thách thức, từ cơ chế chính sách, sức cạnh tranh của doanh nghiệp đến bối cảnh địa chính trị khu vực..., và đặc biệt "Tầm nhìn Kinh tế 2030" chỉ đưa ra mục tiêu mà thiếu giải pháp chi tiết.

Bi kịch của kinh tế dầu mỏ

Saudi Arabia là một trong những quốc gia có trữ lượng dầu mỏ qua kiểm chứng lớn nhất thế giới, với hơn 268 tỷ thùng. Trong nhiều thập kỷ qua, dầu mỏ luôn là lĩnh vực chủ đạo trong nền kinh tế quốc gia Trung Đông này.

Dầu mỏ đem lại cho Vương quốc Arab vùng Vịnh hơn hàng trăm tỷ USD mỗi năm, chiếm 45% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). "Vàng đen" cũng chiếm hơn 80% thu ngân sách và hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của Saudi Arabia.

Với quy mô gần 800 tỷ USD, Saudi Arabia là nền kinh tế lớn nhất khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA). Nhờ có nguồn lợi vô cùng dồi dào từ dầu mỏ, chính phủ nước này đã mạnh tay chi cho các chương trình an sinh-xã hội, thực thi nhiều chính sách trợ cấp, trợ giá cho người dân và đầu tư hàng chục tỷ USD cho quốc phòng mỗi năm.

Tuy nhiên, do nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn ảm đạm, giá dầu thô thế giới đã giảm sâu từ mức đỉnh điểm hơn 100 USD/thùng giữa năm 2014, xuống dưới 30 USD/thùng hồi đầu năm 2016, trước khi phục hồi lên khoảng 48 USD/thùng hiện nay. Nền kinh tế lệ thuộc quá mức vào dầu mỏ của Saudi Arabia đã cảm nhận những "cơn đau dữ dội".

Ở thời điểm giá dầu cao, Saudi Arabia từng ghi nhận các mức thặng dưngân sách khổng lồ gần 103 tỷ USD năm 2012 và 48 tỷ USD năm 2013. Nhưng giá dầu giảm đã khiến nước này thâm hụt ngân sách 98 tỷ USD năm 2015, mức cao kỷ lục trong lịch sử.

Năm 2015, tổng thu ngân sách chỉ đạt 162 tỷ USD, trong khi chi tiêu lên tới 260 tỷ USD. Dự kiến trong năm 2016, Saudi Arabia tiếp thâm hụt ngân sách ở mức 87 tỷ USD.

Ngân sách của Saudi Arabia ngày càng eo hẹp do giá dầu giảm. Ảnh: saudiarabia.blogspot.com

Trước áp lực về ngân sách, Chính phủ Saudi Arabia đã phải dừng nhiều dự án lớn, thắt chặt chi tiêu ở một số lĩnh vực, đồng thời tăng 80% giá bán lẻ nhiên liệu, vốn được coi là "rẻ như cho không" và giảm trợ cấp đối với ngành điện, nước sinh hoạt và một dịch vụ khác.

Ngân sách ngày càng eo hẹp cũng buộc Saudi Arabia phải phát hành trái phiếu trên thị trường nội địa, trị giá 30 tỷ USD trong năm 2015 và đi vay 10 tỷ USD từ các ngân hàng nước ngoài đầu năm nay.

Nước này đã phải sử dụng đến hơn 100 tỷ USD từ kho dự trữ ngoại hối, khiến quỹ này tụt từ 732 tỷ USD năm 2014 xuống còn 616 tỷ USD vào cuối năm ngoái. Riyadh có kế hoạch cắt giảm 13,8% chi ngân sách trong năm 2016, trong đó ngân sách quốc phòng dự kiến giảm 3,6%, từ 47,6 tỷ USD năm 2015 xuống 45,9 tỷ USD năm nay.

Trước viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế Saudi Arabia, các nhà phân tích của hãng tin CNBC mới đây nhận định quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới này có thể sẽ bị phá sản vào năm 2018, trên cơ sở dự báo giá dầu 40 USD/thùng. Đánh giá của CNBC dựa trên kịch bản Saudi Arabia không có sự thay đổi lớn nào cả về kinh tế và chính trị.

Kế hoạch đại phẫu đầy tham vọng

Cuối tháng 4/2016, Chính phủ Saudi Arabia đã thông qua kế hoạch "Tầm nhìn Kinh tế 2030" cho thời kỳ hậu kỷ nguyên dầu mỏ, do Phó Thái tử Mohammed bin Salman (người kế vị thứ hai) khởi xướng.

Kế hoạch này được đưa ra với mục tiêu then chốt là giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ thông qua các cải cách mạnh mẽ về đầu tư và kinh doanh cũng như thúc đẩy một loạt dự án kinh tế sinh lời và tạo việc làm.

"Tầm nhìn Kinh tế 2030" được kỳ vọng sẽ tăng 6 lần doanh thu từ các hoạt động phi dầu mỏ từ 43,5 tỷ USD lên 267 tỷ USD.

Saudi Arabia cũng đặt mục tiêu tăng mức đóng góp của lĩnh vực tư nhân trong GDP từ 40% lên 60% vào năm 2030, đặc biệt đóng góp trong nền kinh tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) được nâng từ 20% lên 35%, đồng thời giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng tỷ lệ lao động nữ trong lực lượng lao động.

Nguồn: