Vì sao 50 USD là mốc quan trọng với thị trường dầu mỏ?
04:27 SA @ Thứ Tư - 01 Tháng Sáu, 2016

Ngày 26/5, giá dầu đã lần đầu vượt mốc 50 USD/thùng sau gần 7 tháng. Đây được coi như một mốc vô cùng quan trọng đối với nhiều chuyên gia phân tích và đầu tư trên thị trường năng lượng.

tin nhap 20160531071937

Giá dầu Brent ngày 26-5 đã tăng 31 cent lên mức 50,05 USD/thùng vào lúc 2h25 giờ GMT, mức cao nhất kể từ ngày 04-11-2015. Ở phiên trước đó, dầu Brent cũng đã tăng 1,13 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng tăng 23 cent lên mức 49,79 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 12-10-2015. Ở phiên trước đó, dầu WTI đã tăng 94 cent/thùng.

So với mức thấp nhất trong 13 năm thiết lập vào tháng 02-2016, giá dầu đã tăng được 89%, nguyên nhân chính là bởi hàng loạt các yếu tố gây gián đoạn sản xuất tại Canada và châu Phi khiến sản lượng dầu thế giới giảm 3,4 triệu thùng trong tháng 5-2016, theo tính toán của công ty chứng khoán TD Securities.

Việc giá dầu lên trên mức 50 USD/thùng được coi như một mốc vô cùng quan trọng đối với nhiều chuyên gia phân tích và đầu tư trên thị trường năng lượng. Tuy nhiên, cho đến nay đã có rất nhiều tranh luận xung quanh việc liệu đó là dấu hiệu cho thấy giá dầu sẽ tiếp tục tăng tiếp hay đó sẽ là mốc để hàng loạt các công ty sản xuất năng lượng tranh thủ tăng sản lượng.

Michael Wittner, phụ trách nghiên cứu thị trường dầu mỏ tại Ngân hàng Societe Generale (Pháp), nhận định, đây là mốc tâm lý quan trọng. Tuy vậy, khi một lượng dầu thô của Nigeria và nguồn cung dầu của Canada quay lại thị trường, câu hỏi lớn là liệu điều này có quan trọng. Thị trường có thể không quan tâm. Hãng tư vấn Wood Mackenzine trong báo cáo ra hồi tháng trước cho rằng 50 công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới cần giá dầu bình quân ở 53 USD/thùng để ngăn chảy máu dòng tiền. Đối với các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, giá dầu có thể cần phải tăng lên khoảng 55 USD/thùng trước khi các công ty tái khởi động hoạt động khai thác, William Foiles, nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, cho biết trong báo cáo ra ngày 03-5.

Sau khi mất hàng tỷ USD trong năm nay, các công ty dầu mỏ đã tạm dừng hàng nghìn giếng dầu - đã hoàn tất nhưng chưa đưa vào khai thác. Nếu giá dầu tăng lên khoảng 55 USD/thùng, sẽ có thêm hàng trăm giếng dầu được đưa vào khai thác mỗi tháng.

Theo ông Foiles, các nhà sản xuất sẽ có những bước đi rất thận trọng sau những gì đã xảy ra trong năm ngoái. Một số đã rót thêm tiền vào hoạt động khoan dầu khi giá dầu tăng lên trên mốc 60 USD/thùng nhưng rồi lại vỡ mộng khi nhìn giá dầu rơi xuống dưới 40 USD/thùng hồi tháng 8-2015. Giờ đây, các công ty dầu mỏ cẩn trọng hơn rất nhiều.

Thậm chí các nước thành viên OPEC - với chi phí sản xuất thấp hơn đáng kể so với các công ty dầu mỏ của Mỹ - cũng chưa cảm thấy yên tâm khi giá dầu đứng ở 50 USD/thùng. Hầu hết các nước này cần giá dầu cao hơn để cân bằng ngân sách vốn đã bị thâm hụt nặng nề do giá dầu lao dốc từ giữa năm 2014.

Ông Wittner nhận định, tuy giá dầu trong năm nay vẫn chưa thực sự trên mốc 50 USD/thùng, song khi điều này xảy ra, thị trường sẽ phản ứng. Tất nhiên, giá dầu có thể lại giảm, nhưng chỉ là nhất thời vì khả năng tái cân bằng gần như chắc chắn diễn ra trong nửa cuối năm nay. “Nếu thực sự dầu đứng ở mức 50 USD, liệu chúng ta có nên đóng cửa không. Có lẽ sẽ có tác nhân kéo mức giá ngược trở lại nhưng chỉ là tạm thời thôi vì nửa cơ hội còn lại để cung cầu dầu đạt tái cân bằng đã gần như trong lòng bàn tay rồi”- Wittner nhận định.

tin nhap 20160531071937

Dầu chạm mốc 50 USD/thùng ngày 26/5

Nhiều chuyên gia cảnh báo về khả năng giá dầu có thể giảm sâu ngay khi vượt lên trên mức 50 USD/thùng. Trưởng bộ phận giao dịch phái sinh tại quỹ Global Risk Management, ông Michael Nielsen, nhận định: “Thị trường năng lượng sẽ sớm điều chỉnh bởi nguồn cung có thể sớm tăng. Ngay khi giá dầu lên mức 51 hay 52 USD/thùng, chắc chắn nó sẽ giảm từ 6 đến 10 USD/thùng.

Không ít chuyên gia lo ngại về khả năng Mỹ sẽ sớm tăng sản lượng dầu bởi sau 17 tuần liên tiếp công bố số lượng giàn khoan dầu giảm.
Trong khi các yếu tố gây gián đoạn nguồn cung ở hiện tại đang giảm bớt thì nguồn cung dầu từ nhóm các nước thuộc Tổ chức OPEC tăng mạnh. OPEC sẽ nhóm họp trong tuần này, tuy nhiên dự kiến sẽ không có biện pháp hạn chế sản lượng nào được đưa ra.

Trong nhóm OPEC, Iran đang gây ra rất nhiều sự chú ý với tham vọng xuất khẩu thật nhiều dầu của mình. Hiện tại, sản lượng xuất hàng ngày của Iran là 2 triệu thùng dầu/ngày, dự kiến đến giữa mùa hè nó sẽ lên mức 2,2 triệu thùng dầu/ngày và chính phủ nước này đặt mục tiêu xuất 4 triệu thùng/ngày.

Việc giá dầu phục hồi từ 25USD hồi tháng 2 lên 50USD/thùng vào tháng 6-2016 đã giúp nội bộ OPEC bớt lục đục và dự kiến tại cuộc họp ngày 2-6, các thành viên của khối này sẽ bớt cãi cọ nhau hơn so với kỳ họp của OPEC hồi tháng 12-2015. Sau cuộc họp lần đó, Venezuela và Iran đã thẳng thắn chỉ trích chiến lược của Arập Xê út.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn hãng tin Mỹ APngày 26-5, Bộ trưởng Năng lượng Qatar, Mohammed bin Saleh al-Sada và cũng là Chủ tịch luân phiên Tổ chức OPEC, nhận định: “Sau khi giảm sâu, thị trường dầu mỏ đang phục hồi chậm, song mức giá hiện nay vẫn chưa đủ để khuyến khích đầu tư”.

Theo ông Sada, mức giá tối thiểu cần thiết ở thời điểm này là 65 USD/thùng. Bên cạnh đó, ông Sada cảnh báo trong tương lai, an ninh nguồn cung sẽ bị đe dọa, do tình trạng lao dốc của giá dầu gây sức ép lớn đối với các nhà sản xuất kể từ năm 2014. Do đó, giá dầu cần được đẩy lên mức cao hơn, để có thể thu hút thêm đầu tư, đảm bảo nguồn cung năng lượng thế giới.

Giá dầu tăng sẽ giúp các doanh nghiệp dầu khí và có liên quan dầu khí dễ thở hơn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khác lo rằng giá xăng dầu tăng trở lại sẽ đe dọa đến chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang tăng cao.

Nguồn: