Vũ điệu dầu thô (K2): Bùng nổ thuyết âm mưu
02:36 SA @ Thứ Tư - 26 Tháng Mười Một, 2014

Nước nắm trong tay quyền lực dầu mỏ của thế giới, Ả rập Saudi, đã giữ im lặng suốt thời gian dài giá dầu lao dốc.

Mãi đến trung tuần tháng này, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả rập Saudi mới lên tiếng giải thích rằng việc giá dầu lao dốc hoàn toàn do thị trường, nhưng đã quá muộn để có thể làm yên lòng những người tin theo thuyết âm mưu.

Thỏa thuận bí mật

Nhà báo Ameen Izzadeen của Daily Mirror tin rằng dầu giảm giá một cách bất thường như hiện nay thực ra là kết quả một thỏa thuận bí mật giữa Hoa Kỳ và Ả rập Saudi. “Nguyên nhân của hiện tượng kỳ lạ này được tìm thấy trong một thỏa thuận bí mật giữa Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi vào tháng trước. Các logic sau thỏa thuận này là: Nếu giá dầu tăng vì những căng thẳng Trung Đông, ngành xuất khẩu dầu mỏ Nga sẽ kiếm đủ tiền để giúp Moscow phá vỡ tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế do Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu áp đặt” - ông Izzadeen viết.

Điều này đã được minh chứng trong lịch sử. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga rơi vào tình trạng hỗn loạn kinh tế trong những năm 1990 khi đồng rúp bị sụp đổ. Chính nhờ giá dầu tăng mạnh đã cho phép Nga lấy lại ít nhất là cái vẻ bề ngoài của vị thế siêu cường vào năm 2005 và khẳng định quyền lực của mình bằng cách mở cuộc chiến tranh ở Georgia vào năm 2008 và sáp nhập Crimea trong năm nay.

Nếu giá dầu giảm, Hoa Kỳ và các đồng minh vùng Vịnh tin rằng Nga có thể phải khụy gối, vì có tới 50% thu ngân sách của nước này phụ thuộc vào xuất khẩu dầu và khí đốt. Chiến lược này đã từng thành công vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước (xem lại Kỳ 1).

Phương Tây lo ngại nếu Nga không bị trừng phạt hay áp lực, đất nước lớn nhất thế giới càng lún sâu vào những động thái đầy tham vọng có thể nghiêm trọng hơn việc thôn tính Crimea. Ngoài ra, phương Tây và các đồng minh vùng Vịnh, đặc biệt Ả Rập Saudi, đang tức tối “gấu Nga” vì Tổng thống Vladimir Putin là một người ủng hộ trung thành của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Hàng tháng trời trước khi Thế vận hội Mùa đông khai mạc ở Sochi, Nga vào tháng 2, Giám đốc tình báo Ả rập Saudi, Hoàng tử Bandar bin Sultan, đã gặp Putin để cảnh báo nếu Moscow không chấm dứt việc hỗ trợ chế độ Assad, Ả rập Saudi sẽ không còn chọn lựa nào khác ngoài việc tiến hành những biện pháp có hại cho Nga.

Vào thời điểm đó, nhiều nhà phân tích tin rằng những gì Bandar ám chỉ có thể là một cuộc tấn công khủng bố vào làng Olympic do một nhóm phiến quân Chechnya được Saudi tài trợ. Nhưng điều này đã không xảy ra. Thay vào đó, theo Izzdeen, Ả rập Saudi và Hoa Kỳ quyết định sử dụng giá dầu như một vũ khí, không chỉ để trừng phạt Nga, mà cả Iran - một đồng minh thân cận Assad hơn Nga.

Như Moscow, Tehran cũng đặt hết hy vọng vào giá dầu tăng để vượt qua những khó khăn kinh tế đang phải đối mặt vì cấm vận của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, “vũ khí giá dầu” của Hoa Kỳ-Saudi cũng kết nối với động thái của Hoa Kỳ-Israel nhằm gây sức ép lên Iran để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Tehran.

Song song đó, Liên minh châu Âu đang hỗ trợ Ukraine tiếp cận được một số nguồn cung cấp khí đốt ngoài Nga. Một kế hoạch dài hạn là giúp Ukraine được cấp khí đốt từ Trung Đông thông qua châu Âu. Nhưng để điều này xảy ra, Assad nhất định phải ra đi. Nếu hạ bệ được Assad, dầu và khí đốt từ Saudi, UAE và Qatar có thể đến được thị trường châu Âu thông qua đường ống xuyên suốt Syria.

Theo thỏa thuận bí mật được ký kết trong cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry với Quốc vương Abdullah và Hoàng tử Bandar tại Jeddah tháng trước, Ả rập Saudi đã đồng ý bán dầu cho một số khách hàng quan trọng như Trung Quốc với giá thấp hơn giá thị trường. Theo đó, Ả rập Saudi sẽ bán dầu cho Trung Quốc với giá 50-60USD/thùng nhằm ngăn cản Trung Quốc mua dầu mỏ của Nga. Hỗ trợ cho Ả rập Saudi là Kuwait và UAE. Động thái này đã buộc Iran, nước sản xuất dầu lớn thứ tư, cũng phải vào cuộc nhằm giảm thiểu thiệt hại trước việc giá dầu giảm mạnh.

Hay đồng minh đấu đá?

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng nếu giá dầu hạ, bản thân Hoa Kỳ cũng là bên bị hại, nên rất có thể đây là hành động đơn phương của Ả rập Saudi nhằm kiềm chế ngành sản xuất dầu đá phiến đang gia tăng ở Hoa Kỳ. Thay vì lo lắng về Nga, Ả rập Saudi có thể đang tìm cách kéo giá dầu mỏ xuống thấp tới mức khiến sản xuất dầu mỏ của Hoa Kỳ không mang lại lợi nhuận và phải từ bỏ, từ đó bảo tồn được sự thống trị của Saudi trên các thị trường dầu mỏ.

Sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ tăng liên tục từ năm 2008, vượt nhập khẩu ròng vào năm 2011 và tiếp tục tăng mạnh gần đây. Nhập khẩu dầu thô giảm giúp củng cố mạnh mẽ an ninh năng lượng của Hoa Kỳ nhờ giảm được sự phụ thuộc vào các nước đang có nguy cơ đổ vỡ cao hơn bên ngoài Bắc Mỹ. Sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ tăng đáng kể nhờ dầu đá phiến sét, là kết quả việc phát triển thành công những công nghệ mới như khoan ngang và bẻ gãy thủy lực.

Bên cạnh sự phát triển của công nghệ dầu đá phiến, một lý do khác làm tăng sản lượng ở Hoa Kỳ là do giá dầu ở mức cao đã khuyến khích việc tiếp cận các mỏ dự trữ dầu đá phiến của nhà nước và tư nhân. Nhưng nếu giá dầu giảm quá mức, ngành công nghiệp này có thể bị phá sản do giá bán không bù nổi giá thành sản xuất.

Nguy cơ này hoàn toàn có thực và đã từng xuất hiện trong lịch sử, khi giá dầu thấp đã làm hoạt động sản xuất dầu đá phiến của Hoa Kỳ bị chết yểu vào đầu thập niên 80. Trước đó, ngành dầu đá phiến Hoa Kỳ tăng đạt đỉnh năm 1970 vì tiếp cận được những mỏ mới và những phát kiến công nghệ mới.

Cuộc gặp gỡ giữa Vua Ả rập Saudi Abdullah (phải) và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hồi tháng 9 được cho là để bàn kế hoạch thao túng thị trường dầu mỏ.

Cùng với đó là sự kết hợp của giá dầu đạt đỉnh, tăng tiêu thụ ở Hoa Kỳ và cấm vận dầu mỏ của OPEC. Năm 1980, dầu thô đạt giá 30USD/thùng và dự báo còn tăng nữa. Nhưng chi phí sản xuất dầu đá phiến của Hoa Kỳ lúc đó cũng tròm trèm 30USD/thùng.

Nếu giá dầu thế giới tăng như dự báo, ngành này mới có lời. Nhưng những năm sau đó, cùng với cuộc suy thoái kinh tế, nhu cầu dầu thô thế giới giảm, trong khi OPEC lại làm ngập tràn thị trường dầu khiến giá giảm dài hạn. Điều này đã dẫn đến việc tất cả dự án dầu đá phiến ở Hoa Kỳ bị phá sản vào đầu thập niên 80. Cho đến nay, chi phí sản xuất dầu đá phiến vẫn cao hơn nhiều so với việc sản xuất dầu truyền thống.

Theo ước tính, chi phí này vào khoảng 70-75USD/thùng. Vì vậy, các chuyên gia của FOXBusiness ước tính nếu Ả rập Saudi và các nước OPEC tìm cách ghim giá dầu dưới mức 75USD/thùng trong 12 tháng tới, sản lượng dầu ở Hoa Kỳ sẽ giảm dần kể từ cuối năm 2015.

Trong trường hợp này, có phải Hoa Kỳ sẽ đưa đầu chịu trận? Không hoàn toàn như vậy, các nhà phân tích của Reuters cho biết Washington có thể phản ứng bằng cách mua dầu thô nhiều hơn để cân bằng thị trường, hoặc áp thuế lên dầu nhập khẩu từ Ả rập Saudi.

(Xin xem tiếp kỳ sau)

Nguồn: