Yamaha có nhiều xe cào cào nhất, phải mua xe đầy đủ giấy tờ, mang theo đồ mưa là những lưu ý cho người nước ngoài muốn mua xe máy tại Việt Nam.
"Chạy xe máy dọc những con đường quốc lộ, gió thốc ngược tóc, những cánh đồng lúa hiện ra trước mắt và hai bên, những cảnh đẹp tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng". Anthony từ positiveworldtravel.com đã viết như thế về Việt Nam. Nhưng để tham gia được hành trình này, cần sắm cho mình một chiếc xe máy. Tác giả này đưa ra những lời khuyên cho khách du lịch nếu muốn sở hữu xe máy tại Việt Nam.
1. Tài chính
Bước đầu tiên, quan trọng nhất là chuẩn bị tài chính. Ở mỗi mức tài chính, đất nước này sẽ cung cấp nhiều lựa chọn, và tương đương nhiều chất lượng khác nhau. Khách du lịch nước ngoài sẽ phải giật mình vì có thể sở hữu một chiếc xe khá tốt với mức giá không hề đắt.
2. Thương hiệu
Có nhiều sự lựa chọn các thương hiệu, từ châu Á đến châu Âu. Phụ thuộc vào thời gian sử dụng, vóc dáng, loại xe ưa thích mà đưa ra quyết định. Minsk khá hay nhưng không được người Việt sử dụng nhiều vì đã cũ, dễ hỏng hóc, lại phức tạp trong việc xăng và nhớt. Mức giá khoảng 400 USD. Hãy chắc chắn mang theo một bồ đồ nghề sửa xe nếu mua một chiếc Minsk.
Suzuki GS 125, mẫu xe mà Anthony chọn khi ở Việt Nam.
Yamaha là thương hiệu có nhiều xe cào cào (dirt bike) cho du khách lựa chọn. Honda là hãng xe phổ biến nhất ở Việt Nam với nhiều loại xe, nhưng lưu ý tay lái ở đây khá thấp, với những người cao trên 6 feet sẽ khá mỏi khi phải di chuyển đường dài. Ngoài ra còn Suzuki, Vespa cũng được sử dụng để di chuyển qua những vùng đồi núi ở đây.
3. Giá thồ hàng
Nên chọn những chiếc xe có những thanh ngang chứa giá thồ hàng ở phía sau, nếu không có thể mua xe rồi nhờ thợ chế thêm. Việc chế thêm giá thồ hàng khá đơn giản với thợ Việt Nam, với chi phí khoảng 40 USD.
4. Lái thử
Nhớ phải chạy thử xe, tức là chạy ở mọi số, nhiều tốc độ khác nhau, trên các loại địa hình chứ không chỉ loanh quanh trong phố hay nơi mua xe. Hãy nhờ một người thợ kỹ thuật đến giúp đỡ.
5. Giấy tờ
Trước tiên, vì luật pháp đòi hỏi phải có giấy tờ chứng minh chiếc xe hợp pháp, dù chiếc xe đó đứng tên một người Việt Nam, hãy kiếm giấy tờ chứng minh không phải do ăn trộm. Với những xe trên 175 phân khối, khó khăn hơn để sở hữu vì phải sinh hoạt trong câu lạc bộ môtô. Nếu vẫn muốn mua, hãy cố gắng kiếm một chiếc xe có giấy tờ đầy đủ.
6. Sức mạnh
Đừng quá quan tâm đến sức mạnh của xe, những xe trên 250 phân khối. Thực tế, giao thông ở Việt Nam chỉ chạy xe được trong tầm 50-60 km/h, do đó một chiếc xe dưới 175 phân khối là đủ, vừa dễ mua lại đáp ứng được nhu cầu tốc độ.
7. Mũ bảo hiểm
Tai nạn xe máy là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tử vong ở Việt Nam, hầu hết người Việt Nam đều đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, do đó hãy chuẩn bị một chiếc mũ bảo hiểm để bảo vệ khỏi tai nạn, ngoài ra nếu không có mũ bảo hiểm thì việc công an hỏi thăm là bình thường.
8. Bộ dụng cụ
Có một bộ dụng cụ sửa chữa xe đơn giản là vô cùng cần thiết khi muốn lái xe đến những vùng xa xôi. Chí ít là bộ vá lốp, bơm hơi và những cờ lê, tuốc nơ vít cần cho tháo lắp những chi tiết đơn giản, cũng đừng quên mang theo vài chiếc bugi dự phòng.
9. Áo mưa
Anthony và người bạn khi "phượt" ở Việt Nam.
Bộ đồ quần áo mưa là rất quan trọng, nhất là khi bạn ở vào mùa mưa. Những cơn mưa xối xả có thể đến và đi rất nhanh, vì thế chuẩn bị quần áo mưa là một trong những thứ cần có trước khi lên đường.
10. Bảo dưỡng xe
Dù có mua được chiếc xe còn tốt, cũng hãy mang tên các cửa hàng sửa chữa để kiểm tra, thay thế những đồ đã cũ. Nếu thay những chi tiết cơ bản như má phanh, dầu, xích... chi phí sẽ chưa tới 50 USD.
TIN KHÁC
Sắp ra mắt nhiều mẫu xe ô tô mới đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5 tại thị trường Việt Nam(15/03/2022)
Bí quyết bảo dưỡng động cơ ô tô xe chạy bằng dầu Diesel(12/08/2021)
Xử lý thế nào khi ôtô, xe máy đổ nhầm xăng giả, xăng bẩn?(11/06/2019)
Xử lý thế nào khi xe máy có hiện tượng 'ăn xăng'?(26/05/2017)
Lái xe khi gần hết nhiên liệu: Những lưu ý cần biết(04/05/2017)