Nissan Việt Nam thoát án truy thu 357 tỷ đồng thuế
03:23 SA @ Thứ Sáu - 20 Tháng Sáu, 2014

Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, Cục Hải quan TP. Hà Nội vừa hoàn tất việc kiểm tra các nội dung được Bộ Tài chính nêu tại Công văn số 17237/BTC-TCHQ ngày 13/12/2013. Theo đó, đánh giá của cơ quan thực thi việc kiểm tra cho thấy, Nissan Việt Nam và Công ty Ô tô Hòa Bình (VMC) cơ bản đáp ứng đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Công văn 17237/BTC-TCHQ.

Lắp ráp xe Nissan Sunny tại Nhà máy Nissan Đà Nẵng
Lắp ráp xe Nissan Sunny tại Nhà máy Nissan Đà Nẵng

Ngoài ra, Cục Hải quan TP. Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan xem xét chấp nhận mức độ rời rạc của các linh kiện ô tô do Công ty Nissan Việt Nam nhập khẩu đáp ứng mức độ rời rạc theo Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN.

Trước đó, Bộ Tài chính đã yêu cầu Cục Hải quan TP. Hà Nội kiểm tra thực tế tại Nissan Việt Nam và VMC để xác định VMC có dây chuyền sản xuất, lắp ráp đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Bộ Công thương; các bộ linh kiện ô tô nhập khẩu đảm bảo độ rời rạc theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; VMC có lắp ráp linh kiện ô tô Nissan nhập khẩu từ năm 2009 - 2012.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra cũng xác định việc Nissan bán linh kiện nhập khẩu cho VMC theo giá vốn để lắp ráp, sau đó mua lại xe ô tô Nissan do VMC lắp ráp để bán cho đại lý; Nissan có tiến hành hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo cho VMC, thiết bị gá lắp và các công cụ cần thiết cho lắp ráp ô tô Nissan; Nissan chưa nộp thuế theo mức thuế suất ô tô nguyên chiếc…

Trường hợp Nissan Việt Nam không đáp ứng một trong các điều kiện trên, thì sẽ bị thu thuế nhập khẩu các bộ linh kiện ô tô theo thuế suất của xe ô tô nguyên chiếc. Trong thời gian chờ kết quả kiểm tra, khoản thuế 357 tỷ đồng mà Cục Hải quan TP. Hà Nội ấn định phải truy thu của Nissan Việt Nam cũng được tạm hoãn.

Qua kiểm tra, VMC đã được xác định là đủ tiêu chuẩn doanh nghiệp lắp ráp xe ô tô theo quy định hiện hành của Bộ Công thương và có sự hợp tác thỏa thuận rõ ràng giữa hai doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan đến hoạt động lắp ráp xe ô tô nhãn hiệu Nissan.

Được biết, Nissan Việt Nam đã nộp thuế 53,9 tỷ đồng cho việc nhập khẩu các bộ linh kiện nói trên theo mức thuế suất thuế nhập khẩu với phụ tùng, linh kiện. Tuy nhiên, hồi tháng 9, tháng 10/2013, cơ quan hải quan khi kiểm tra sau thông quan đã không chấp nhận việc “đi tắt, đón đầu” trong lắp ráp ô tô của Nissan Việt Nam và đã ra các quyết định ấn định thuế mới, với việc áp thuế nhập khẩu dành cho xe nguyên chiếc, chứ không phải thuế nhập khẩu dành cho bộ linh kiện ô tô. Theo đó, số thuế mới mà Nissan Việt Nam phải nộp bổ sung là 357,028 tỷ đồng.

Như vậy, với việc hoàn tất kiểm tra thực tế tại Nissan Việt Nam và VMC của Cục Hải quan TP. Hà Nội, khả năng Nissan Việt Nam chính thức thoát khỏi án truy thu hơn 357 tỷ đồng xem ra không còn xa nữa.

Dẫu vậy có thể thấy, cái giá để trả cho việc đi tắt đón đầu của Nissan Việt Nam cũng không hề nhỏ, bởi thời gian theo đuổi vụ việc và giải trình với cơ quan hữu trách lên tới cả năm trời, lại đúng lúc thị trường đang bán hàng tốt trở lại, khách hàng muốn mua mà không có xe để bán.

Trước đó, năm 2009, Nissan Việt Nam quyết định tham gia thị trường xe hơi Việt Nam bằng việc cung cấp xe được lắp ráp xe trong nước. 10 triệu USD là số vốn đầu tư đăng ký của Nissan Việt Nam, liên doanh giữa Tập đoàn Nissan Motor Nhật Bản với Kjaer Group A/S Đan Mạch để kinh doanh xe hơi mang nhãn hiệu Nissan tại Việt Nam.

Sau đó, phần góp vốn của Kjaer Group A/S đã được chuyển giao cho Tập đoàn Tan Chong (Malaysia). Tập đoàn Tan Chong cũng không dừng lại ở việc nhập khẩu bộ linh kiện, thuê đơn vị khác lắp ráp, mà đã đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp xe hơi nhãn hiệu Nissan tại Đà Nẵng. Dây chuyền sản xuất này đã xuất xưởng xe ô tô nhãn hiệu Nissan Sunny từ giữa năm 2013.

Trong thời gian từ năm 2009 đến 2012, Nissan Việt Nam đã nhập khẩu linh kiện để sản xuất 1.772 xe ô tô Nissan Grand Livina. Trong số này, có 1.692 chiếc được tiêu thụ tại Việt Nam và số xe đã được lắp ráp hoàn chỉnh cũng đã tái xuất cùng với các bộ linh kiện chưa lắp ráp thành xe hoàn chỉnh.

Nguồn: