Xe bay 'vỗ cánh' ở Slovakia
03:02 SA @ Thứ Ba - 21 Tháng Giêng, 2014
Giấc mơ bay lượn từ thời nguyên thủy của con người vừa có một bước ngoặt mới, khi một mẫu xe bay thử nghiệm ở Slovakia lần đầu cất cánh.

Được truyền cảm hứng từ các cuốn sách viết về hoạt động bay lượn của các nhà văn Pháp Jules Verne và Antoine de Saint Exupery, nhà thiết kế kiêm kỹ sư Slovakia Stefan Klein đã dành nhiều tâm huyết để chế tạo chiếc xe bay của ông, kể từ đầu những năm 1990.

Chiếc xe bay đẹp nhất

"Tôi đã có ý tưởng chế tạo một chiếc xe của tương lai từ khi còn học đại học. Nhưng thành thực thì ai mà chẳng từng có lần mơ tới việc bay vút lên trời lúc đang bị kẹt xe"-  Klein nói với AFP, và cho biết thêm - "Bay lượn đã nằm trong máu tôi. Ông và cha tôi đều đã bay các máy bay siêu nhẹ. Tôi đã có bằng lái máy bay trước khi đủ tuổi để lái xe".

Klein đã từng làm nghề thiết kế cho các hãng xe lừng lẫy tên tuổi như BMW, Volkswagen và Audi trước khi chế ra chiếc xe bay của ông, mang tên Aeromobil. Giờ ông đang dạy thiết kế tại Học viện Nghệ thuật và Thiết kế ở Bratislava.


Mẫu xe bay PAL-V của Hà Lan

Chiếc Aeromobil của ông đã được tạp chí hàng không Flying và trang web Inhabitat.com đánh giá là "chiếc xe bay đẹp nhất, thiết kế tuyệt vời nhất thế giới". Quả thực xe có màu xanh và trắng đẹp tráng lệ, kết hợp với kiểu dáng thiết kế hết sức hiện đại.

Aeromobil có một đôi cánh với sải cánh dài tổng cộng 8,2m, một hệ thống cánh quạt bố trí ở đằng sau xe, nằm cạnh ghế ngồi. Trái tim của xe là động cơ Rotax 912 công suất 100 mã lực làm mát bằng nước.

Khi Automobil là xe hơi, đôi cánh của nó được gấp lại dọc theo thân và động cơ truyền động xuống 2 bánh trước để xe di chuyển. Khi xe tới sân bay, tài xế/phi công sẽ nhấn nút để bung đôi cánh ra. Như thế chiếc xe bay sẽ trở thành một chiếc máy bay hạng siêu nhẹ, với trọng lượng và sức mạnh động cơ tương đương với máy bay hạng này. Tài xế sẽ gạt cần số để động cơ truyền động ra sau cánh quạt ở sau xe. Chiếc xe sẽ từ từ chạy ra đường băng, tăng tốc và cất cánh.

Xe đủ rộng để chứa 2 hành khách và có 2 bánh lái nằm chồng lên nhau, trước tài xế/phi công. Bánh lái lớn hơn để lái xe trên mặt đất trong khi bánh nhỏ hơn dùng để bay. Do Automobil dài chỉ 6m nên nó vẫn có thể đỗ khá gọn gàng trong các bãi đỗ xe tiêu chuẩn. Ngoài ra do sử dụng xăng thường nên có thể tiếp nhiên liệu ở bất kỳ nơi nào.

Tương lai hứa hẹn

Giấc mơ của Klein đã thành hiện thực vào tháng 9 năm ngoái khi ông điều khiển Aeromobil trong chuyến bay thử đầu tiên. Được biết sau khi cất cánh, xe bay có thể đạt tốc độ 200km/h và bay xa được tới 700km, chỉ sử dụng có 15 lít nhiên liệu cho mỗi giờ bay.

Không ngạc nhiên khi người Slovakia rất tự hào về thành tích của Klein. "Trên thế giới có khoảng 20 nỗ lực chế tạo xe bay" - Chủ tịch Liên đoàn Hàng không hạng siêu nhẹ Slovakia Milan Ciba nói với AFP - "Trong số họ, Aeromobil dường như rất có tương lai".


Xe bay Aeromobil của Klein thử nghiệm bay thành công

Các mẫu xe bay đáng chú ý khác gồm Transition của công ty Mỹ Terrafugia. Chiếc xe này dự kiến sẽ được tung ra thị trường trong vòng một năm. Cùng năm nay, mẫu xe bay PAL-V của Hà Lan cũng có thể được bán tới tay người dùng.

Song đã có ý kiến cho rằng xe bay khó có thể trở nên phổ biến vì nó có những nhược điểm nhất định. "Một sự kết hợp giữa xe hơi và máy bay sẽ luôn luôn đánh mất tính cạnh tranh của chúng, ngay khi chúng ta bắt đầu so sánh hoạt động tiêu thụ nhiên liệu" - nhà nghiên cứu Jan Lesinsky tới từ Đại học Công nghệ Slovakia nói với AFP.

Nhưng không thể phủ nhận những lợi ích khác của xe bay. Ví dụ người dùng nó sẽ không phải xếp hàng dài để lên máy bay thương mại bình thường. Họ cũng không phải chờ quá lâu khi kiểm tra an ninh sân bay và như thế sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian khi thực hiện các chuyến bay có khoảng cách ngắn tới trung bình.

Không mơ sản xuất đại trà


Klein và đội của ông đang nghiên cứu một chiếc Aeromobil thế hệ mới. Mẫu xe hiện nay sẽ được đưa vào sản xuất trong vài tháng tới và ông đang hy vọng nó sẽ có Chứng nhận máy bay hạng siêu nhẹ Slovakia (SFUL).

"Người dùng xe sẽ phải tuân thủ các quy định trong luật hiện hành dành cho máy bay siêu nhẹ" - ông Milan Ciba nói với AFP - "Phi công/tài xế phải có cả bằng lái xe lẫn bằng lái máy bay với ít nhất 25 giờ bay".

Là một phi công đam mê bay cháy bỏng nhưng Klein vẫn rất thực tế và chân thành khi nhìn về tương lai. "Tôi không kỳ vọng Aeromobil sẽ được sản xuất đại trà. Nó sẽ vẫn chỉ là một phương thức vận tải thay thế để người ta tự do lựa chọn. Tuy nhiên sản phẩm này sẽ rất thú vị với những nước có các khu vực rộng lớn vẫn chưa phát triển mạnh cơ sở hạ tầng như Nga, Trung Quốc hoặc Australia".