Ngày 22 tháng 6 năm 2016, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã có công văn số 176/HHXDVN-VP gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính - Ông Đinh Tiến Dũng nhằm đóng góp ý kiến về cách tính thuế nhập khẩu trong giá cơ sở.
Dưới đây là nội dung của công văn:
Theo các Hiệp định FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, Việt Nam đang thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo các mức thuế nhập khẩu khác nhau (đối với xăng là 20% nhập từ ASEAN và 10% nhập từ Hàn Quốc; tương tự, các mặt hàng dầu 0% và 5%)...
Ngày 17/3/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 48/2016/TT-BTC áp mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng là 20%, các mặt hàng dầu là 7%. Cách áp mức thuế nhập khẩu này đã gây chênh lệch lớn, ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng, gây bức xúc cho dư luận xã hội.
Để khắc phục bất cập của Thông tư 48/2016/TT-BTC, ngày 18/3/2016 Quý Bộ ra văn bản 189/BTC-QLG áp mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo sản lượng nhập khẩu từ các nguồn khác nhau, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau. Hiện mức thuế nhập khẩu đang áp dụng cho quý II/2016 (văn bản 4536/BTC-QLG ngày 5/4/2016) để tính giá cơ sở là 18,35% đối với xăng; 2,32% đối với diesel; và 0% đối với dầu hỏa và mazut. Việc Quý Bộ áp mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền đã bộc lộ những bất cập lớn hơn:
1.Về cơ sở pháp lý
Theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu tại mục 9 điều 3 quy định giá cơ sở là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước, giá cơ sở bao gồm 11 yếu tố trong đó có thuế nhập khẩu; Tại chương II Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC phương pháp tính giá cơ sở quy định giá cơ sở bao gồm 11 yếu tố trong đó có thuế nhập khẩu. Như vậy, Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 39/2014/TTLT-BCT-BTC đều quy định và hướng dẫn cụ thể chi tiết, minh bạch từng yếu tố chứ không quy định thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo quý để hình thành giá cơ sở.
Như vậy, Quý Bộ đã điều hành, cách áp thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở không đúng với Nghị định 83/2014/NĐ-CP và thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC.
2.Về thực tế
- Khi quý Bộ cho áp thuế theo văn bản 4536/BTC-QLG với mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền 18,35% đối với xăng và 2,32% đối với dầu diesel thì mức chênh lệch thuế nhập khẩu vẫn còn lớn, làm cho giá cơ sở ở mức cao; theo đó giá bán lẻ cũng ở mức cao, không có lợi cho người tiêu dùng, bất cập này không được xử lý triệt để gây bức xúc trong dư luận xã hội.
- Cách áp thuế nhập khẩu bình quân gia quyền không phản ánh đầy đủ diễn biến giữa giá thế giới và giá trong nước, cụ thể trong kỳ điều hành đầu tiên của quý II/2016 áp dụng mức thuế bình quân gia quyền, giá dầu diesel trong nước đã diễn biến ngược lại với giá thế giới trong khi giá diesel thế giới giảm 0,4% thì diesel trong nước phải tăng sử dụng quỹ bình ổn từ 983 đồng lên 1.017 đồng/lít mới giữ nguyên được giá bán lẻ.
- Tính công khai, minh bạch của cách áp thuế nhập khẩu bình quân gia quyền không thuyết phục được người tiêu dùng, giới chuyên gia, các phương tiện truyền thông và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Dư luận cho rằng cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn dùng những biện pháp hành chính để can thiệp vào thị trường xăng dầu, trong khi Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Thông tư 39/2014/TTLT-BCT-BTC đã có những quy định và hướng dẫn cụ thể.
- Về nguồn: Khi thực hiện các cam kết FTA, các nhà nhập khẩu Việt Nam sẽ tập trung vào các nguồn có ưu đãi thuế nhập khẩu thấp nhất như FTA Việt Nam – Hàn Quốc, ATIGA. Vì vậy khả năng đáp ứng nhu cầu cho các nhà nhập khẩu Việt Nam là rất lớn. Mặt khác, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 14-15 triệu tấn xăng dầu, trong đó Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn cung cấp khoảng 30%, chỉ còn nhập khẩu 70%. Đến năm 2017, khi nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động thì sản xuất trong nước đảm bảo nhu cầu cho những năm tới. Thêm vào đó, theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP, các đầu mối phải dự trữ bắt buộc 30 ngày cộng với dự trữ quốc gia sẽ đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Từ những bất cập trên, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị:
- Thực hiện mức thuế nhập khẩu đối với xăng là 10% theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc, đối với các mặt hàng dầu là 0% theo ATIGA, và áp mức thuế này vào tính giá cơ sở để điều hành giá bán lẻ xăng dầu.
- Quý Bộ nghiên cứu để trình cơ quan có thẩm quyền sớm điều chỉnh một số sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để bù đắp thiếu hụt do giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cắt giảm thuế theo cam kết. Năm 2017 có thể tăng thuế tiêu thụ đặt biệt, thuế bảo vệ môi trường theo tỷ lệ phù hợp với mức độ giảm thuế nhập khẩu, việc tăng hai sắc thuế này theo tỷ lệ phù hợp sẽ đảm bảo ổn định giá bán lẻ, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, duy trì nguồn thu ngân sách nhà nước, thuận lợi cho các doanh nghiệp xăng dầu.
Trên đây là những ý kiến của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam về việc áp mức thuế bình quân gia quyền để tính giá cơ sở và các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, bất cập cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
TIN KHÁC
Hai giải thưởng lớn về Báo cáo thường niên và Quản trị công ty năm 2024 đã được trao cho Petrolimex(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Bộ Công Thương làm việc với Trung tâm Nhiên liệu Xanh Toàn cầu về phát triển nhiên liệu sinh học(14/11/2024)
Ông Lương Hồ Anh được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex(13/11/2024)
Thách thức và cơ hội của BSR với "chính sách, thị trường và xu thế mới trong kinh doanh xăng dầu"(11/11/2024)