Giá dầu thế giới đi xuống sau khi chạm mức cao nhất của nhiều năm trong phiên 18/10, khi sự nhiệt tình ban đầu biến mất sau khi có thông tin về sản lượng công nghiệp của Mỹ trong tháng 9/2021.
Giá dầu thế giới mất đà tăng trong phiên 18/10. Ảnh : TTXVN
Phiên 18/10, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 53 xu Mỹ (tương đương 0,6%) xuống 84,33 USD/thùng sau khi chạm mức cao nhất tính từ tháng 10/2018 là 86,04 USD/thùng vào đầu phiên này.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI)phiên 18/10 cũng giảm 16 xu (0,19%) xuống 82,44 USD/thùng, sau khi chạm mức 83,87 USD/thùng - mức đỉnh kể từ tháng 10/2014 vào đầu phiên này.
Yếu tố chính tác động tới thị trường trong phiên này là thông tin sản lượng tại các nhà máy ở Mỹ trong tháng Chín giảm sâu nhất trong bảy tháng. Điều này là do tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu liên tục làm giảm sản lượng ô tô tại nước này – thêm một bằng chứng cho thấy tình trạng hạn chế về nguồn cung đang cản trở tăng trưởng kinh tế.
Ông Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của công ty môi giới đầu tư Price Futures Group ở New York (Mỹ) cho biết thị trường khởi đầu tuần mới với nhiều lạc quan. Nhưng số liệu yếu kém về sản xuất công nghiệp của Mỹ khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào nhu cầu, và rồi Trung Quốc công bố những số liệu kinh tế làm gia tăng những lo lắng đó đã khiến giá dầu đảo chiều đi xuống.
Về phần Trung Quốc, số liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế quý III của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong một năm, bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện, tắc nghẽn nguồn cung và bùng phát dịch COVID-19 lẻ tẻ trên toàn cầu.
Tỷ lệ chế biến dầu thô hàng ngày của Trung Quốc trong tháng Chín cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 do tình trạng thiếu nguyên liệu và các cuộc thanh tra môi trường làm tê liệt hoạt động tại các nhà máy lọc dầu. Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu độc lập phải đối mặt với việc thắt chặt hạn ngạch nhập khẩu dầu thô.
Nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty môi giới đầu tư OANDA (Mỹ) cho biết, tình trạng của thị trường dầu có vẻ sẽ trở nên tồi tệ hơn khi cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ trầm trọng hơn do thời tiết ở Bắc Bán cầu đã bắt đầu lạnh hơn.
Theo ông, trong khi thiếu hụt than, điện và khí đốt tự nhiên dẫn đến nhu cầu gia tăng đối với dầu thô, sản lượng từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất ngoài khối (nhóm OPEC+) hoặc Mỹ lại ít khả năng sẽ tăng./.
TIN KHÁC
Xuất khẩu nhiên liệu của Nga đạt mức cao nhất trong tám tháng(29/11/2024)
Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đẩy giá dầu tăng(29/11/2024)
Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 27/11(28/11/2024)
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu(27/11/2024)
Giá dầu thế giới nối dài đà giảm(27/11/2024)