Trong phiên giao dịch 23/6, giá dầu thế giới giảm gần 2 USD/thùng.
Một cơ sở khai thác dầu ở Baku, Azerbaijan. Ảnh: AFP/ TTXVN
Trong phiên giao dịch 23/6, giá dầu thế giới giảm gần 2 USD/thùng, do những phát biểu mới từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell làm dấy lên lo ngại việc nâng lãi suất Mỹ sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế.
Kết thúc phiên này, tại thị trường London (Vương quốc Anh), giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,69 USD (tương đương 1,5%) xuống 110,05 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tại thị trường New York (Mỹ) cũng mất 1,92 USD (tương đương 1,8%) xuống còn 104,27 USD/thùng.
Ông Jerome Powell cho biết, trọng tâm của Fed trong việc kiềm chế lạm phát là “vô điều kiện” và cho rằng thị trường lao động Mỹ đang mạnh mẽ một cách không bền vững. Những nhận định này làm dấy lên lo ngại về việc Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất cao hơn.
Nhà đầu tư đang cân nhắc điều chỉnh danh mục đầu tư với tài sản rủi ro khi họ đánh giá liệu các biện pháp đối phó với lạm phát của các ngân hàng trung ương có thể khiến nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái với lãi suất cao hay không.
Nhà tư vấn dầu mỏ ở Houston, Andrew Lipow cho biết: "Nếu Mỹ và phần còn lại của thế giới rơi vào suy thoái, điều đó có thể tác động đáng kể đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ".
Ngoài ra, Robert Yawger, Giám đốc phụ trách các hợp đồng năng lượng tương lai tại ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), cho rằng giá xăng cao có thể bắt đầu khiến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu chậm lại. Ông Yawger cho rằng giá xăng vẫn còn dư địa để tăng. Theo Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA), giá bán lẻ xăng của Mỹ hiện đang ở mức trung bình 4,94 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít), giảm khoảng 10 xu Mỹ so với mức đỉnh.
Theo nguồn thạo tin, các công ty lọc dầu lớn của Mỹ và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm đã tham gia một cuộc họp khẩn mà không đưa ra được giải pháp nào cụ thể để giảm giá dầu. Tuy nhiên, hai bên đã đồng ý hợp tác cùng nhau giải quyết vấn đề này.
Ước tính gần đây nhất của Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho thấy, dự trữ dầu thô và xăng tại Mỹ tăng trong tuần trước cũng gây áp lực lên giá dầu.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất đồng minh bao gồm Nga, còn gọi là OPEC+, có khả năng bám sát kế hoạch nâng sản lượng vào tháng 8/2022 với hy vọng làm giảm giá dầu thô và lạm phát, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang lên kế hoạch thăm Saudi Arabia.
OPEC+ thống nhất trong cuộc họp gần nhất vào ngày 2/6 sẽ nâng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng Bảy, tương đương 7% nhu cầu toàn cầu, và bơm thêm khối lượng tương tự trong tháng Tám, tăng so với kế hoạch ban đầu là thêm 432.000 thùng/ngày trong hơn ba tháng cho đến tháng 9/2022./.
TIN KHÁC
Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 27/11(28/11/2024)
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu(27/11/2024)
Giá dầu thế giới nối dài đà giảm(27/11/2024)
Hungary sẵn sàng từ bỏ dầu mỏ của Nga với một điều kiện(26/11/2024)
Giá dầu giảm hơn 2 USD sau thông tin về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah(26/11/2024)