Tính chung trong cả tuần này, giá dầu thế giới ghi nhận mức tăng hơn 3,5% nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất từ tháng Chín tới.
Tính chung trong cả tuần này, giá dầu thế giới ghi nhận mức tăng hơn 3,5%. Xu hướng đi lên của giá dầu được thúc đẩy bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất từ tháng Chín tới, làm giảm bớt lo ngại về đà suy yếu của nhu cầu dầu.
Trong khi đó, tâm lý lo ngại rằng nguy cơ xung đột lan rộng ở Trung Đông sẽ gây rủi ro về nguồn cung, tiếp tục tác động tới thị trường.
Chốt phiên 9/8, giá dầu Brent Biển Bắc, tăng 50 xu Mỹ, tương đương 0,6%, lên 79,66 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 65 xu Mỹ (0,9%) lên 76,84 USD/thùng.
Nhìn lại tuần qua, dầu Brent đã có bốn phiên tăng giá, với tổng cộng mức tăng hơn 3,5% và dầu WTI tăng hơn 4%. Trước đó, giá dầu mở đầu tuần, hôm 5/8, bằng phiên giảm thứ ba liên tiếp và dừng ở mức thấp trong nhiều tháng.
Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại công ty tài chính BOK Financial, Dennis Kissler, nhận định, giá dầu đang trong giai đoạn phục hồi khi căng thẳng địa chính trị leo thang. Hơn nữa, theo ông Kissler, mối lo về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu lắng xuống, ít nhất trong thời điểm hiện nay, đã hỗ trợ cho giá dầu.
Ngày 8/8, ba nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Fed tiết lộ rằng lạm phát của Mỹ đang hạ nhiệt đủ để cơ quan này xem xét hạ lãi suất.
Bên cạnh đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh hơn dự kiến trong tuần trước cũng là nhân tố hỗ trợ sự phục hồi của thị trường dầu. Thống kê này cho thấy lo ngại về nguy cơ thị trường lao động Mỹ sụp đổ là “quá phóng đại”.
Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh hơn một chút so với dự kiến trong tháng 7/2024, cũng phần nào hỗ trợ giá dầu.
Nhà phân tích kỹ thuật tại ActivTrades, Pierre Veyret, nhận định giá dầu đang trên đà cán mốc 80 USD/thùng. Trong ngắn hạn, giá dầu sẽ được hưởng lợi từ sự gia tăng căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng có thể phá vỡ sản lượng của khu vực sản xuất dầu chủ chốt trên thế giới và làm giảm nguồn cung dầu toàn cầu.
Ngày 9/8, chỉ số đồng USD, đo lường giá trị của đồng tiền này so với sáu đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ quốc tế, giảm 0,136% xuống 103,14. Đồng bạc xanh yếu đi giúp thúc đẩy nhu cầu dầu, khi dầu trở nên rẻ hơn đối với những người mua bằng các đồng tiền khác (ngoài USD).
Hỗ trợ thêm cho giá dầu, Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Libya đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng tại mỏ dầu Sharara, do các cuộc biểu tình khiến sản lượng khai thác buộc phải thu hẹp.
Tuy nhiên, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ, một chỉ báo về sản lượng dầu trong tương lai, đã tăng thêm ba giàn khoan, lên tổng cộng 485 giàn trong tuần này./.
TIN KHÁC
Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch biến động(15/11/2024)
Thế giới đối mặt với tình trạng dư cung dầu trong năm 2025(15/11/2024)
Nhật Bản tiếp tục trợ cấp giá xăng tới năm 2025(14/11/2024)
Giá dầu thế giới phục hồi từ mức thấp nhất trong gần hai tuần(14/11/2024)
Giá dầu thế giới gần mức thấp nhất trong hai tuần(13/11/2024)