Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, nhu cầu dầu ở Trung Quốc suy giảm sẽ khiến thị trường dầu thô toàn cầu sẽ lâm cảnh dư thừa nguồn cung trong năm 2025. Cơ quan này dự báo, nguồn cung thế giới sẽ vượt quá nhu cầu 200.000 thùng mỗi ngày, đánh dấu đợt dư thừa đầu tiên sau hai năm.
Dự báo nhu cầu dầu hàng ngày ở Trung Quốc sẽ tăng 300.000 thùng vào năm 2025, giảm so với mức tăng 500.000 thùng trong năm 2024.
Năm 2023, Trung Quốc chiếm 79% mức tăng trưởng nhu cầu của các nước không phải là thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Thị phần của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm xuống còn 43% trong năm nay và 27% trong năm tới.
“Thời điểm phong tỏa đất nước chống Covid của Trung Quốc khác với thế giới, nên tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2023 phụ thuộc rất nhiều vào quốc gia này”, IEA nói trong thông cáo hôm 12-4. Cơ quan này nhận thấy nhu cầu dầu của Trung Quốc đang giảm dần, dựa trên tốc độ tăng trưởng kinh tế của đại lục đang suy giảm và sự tăng trưởng của xe điện và đường sắt tốc độc cao.
Theo IEA, nhu cầu hàng ngày ở các nước OECD sẽ giảm 100.000 thùng xuống còn 45,7 triệu thùng trong năm 2024. Đây là kết quả của nỗ lực giảm phát thải của khối này. Trong năm tới, nhu cầu hàng ngày của OECD được dự báo sẽ giảm thêm 100.000 thùng nữa xuống mức chưa từng thấy kể từ năm 2021. Sự hiện diện của xe điện và hiệu quả sử dụng năng lượng tốt hơn của OECD làm giảm lượng điện tiêu thụ.
Đối với các nước không thuộc OECD, nhu cầu dầu hàng ngày trong năm nay sẽ tăng 1,3 triệu thùng lên 57,5 triệu thùng. Năm sau, sản lượng này sẽ tăng 1,2 triệu thùng lên 58,7 triệu thùng, theo tính toán của IEA. Tốc độ tăng trưởng trong cả hai năm sẽ không đạt mức 2,2 triệu thùng của năm 2023.
Trên toàn thế giới, nguồn cung trong năm 2024 dự kiến sẽ giảm 300.000 thùng/ngày so với nhu cầu. Vào năm 2025, IEA dự kiến nhu cầu toàn cầu là 104,3 triệu thùng/ngày khi tốc độ tăng trưởng nhu cầu chậm lại xuống mức 1,1 triệu thùng/ngày. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2021.
Nhu cầu tăng chậm lại, nhưng nguồn cung lại tăng mạnh. Nguồn cung dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,6 triệu thùng/ngày lên mức kỷ lục 104,5 triệu thùng/ngày trong năm 2025, gấp đôi mức tăng trưởng hàng ngày dự kiến là 800.000 thùng cho năm 2024.
Các nước OPEC+, bao gồm cả Nga, đang tích cực cắt giảm sản lượng trong năm 2024 nhằm hạn chế dư thừa nguồn cung. Nhưng nguồn cung đang tăng lên từ các quốc gia không thuộc OPEC+.
Nguồn cung hàng ngày từ Mỹ được dự báo sẽ tăng 650.000 thùng trong năm nay, sau đó là 540.000 thùng vào năm tới, đạt mức cao lịch sử ở Mỹ. Các nước Nam Mỹ cũng đưa vào khai thác nhiều mỏ dầu mới. IEA dự báo rằng trong bối cảnh này, khối lượng bổ sung chỉ từ Mỹ, Brazil, Guyana và Canada có thể gần đạt mức tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm nay và năm tới.
Giá dầu thô tăng gần đây cũng đang làm giảm nhu cầu. Hợp đồng tương lai trung cấp của dầu ngọt nhẹ WTI ở Mỹ đạt mức 87 đô la/thùng vào đầu tháng 4. Dầu thô Brent giá chuẩn của châu Âu đạt mức cao nhất trong khoảng 5 tháng rưỡi ở mức khoảng 92 đô la/thùng.
Theo IEA, sản lượng dầu thô hàng ngày của Nga đã giảm khoảng 500.000 thùng kể từ tháng 3 trong bối cảnh máy bay không người lái của Ukraine tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga.
Citigroup dự đoán rằng nếu giá dầu Brent tương lai đạt khoảng 95 đô la/thùng, Trung Quốc và các nhà nhập khẩu khác có thể giảm quy mô mua hàng. Trong khi đó, Mỹ có thể giải phóng lượng lớn dầu từ kho dự trữ chiến lược.
TIN KHÁC
BP chuyển đổi nhà máy lọc dầu thành trung tâm năng lượng bền vững(22/11/2024)
Lo ngại nguy cơ căng thẳng nguồn cung, giá dầu thô tăng mạnh(22/11/2024)
Ba lỗ hổng lớn trong chính sách dầu mỏ của G7 giúp Nga lách lệnh trừng phạt(21/11/2024)
Dự trữ dầu tại Mỹ tăng mạnh kéo giá "vàng đen" đi xuống(21/11/2024)
Mỹ siết tiêu chuẩn mức tiêu thụ nhiên liệu ô tô giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ lít xăng dầu(20/11/2024)