Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, Libya đang chịu những thiệt hại nặng nề khi các mỏ dầu thường xuyên bị đóng cửa.
Nhà máy lọc dầu tại Ras Lanuf, miền Bắc Libya. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Tripoli ngày 2/10, Chủ tịch Công ty dầu mỏ quốc gia Libya (NOC) Moustafa Sanalla, cho biết Libya đã tổn thất 308 triệu USD khi mỏ dầu Sharara bị đóng cửa từ giữa tháng 8 đến 9/2017 do ảnh hưởng tới việc thực hiện các hợp đồng với các đối tác nước ngoài và nguồn nhiên liệu phục vụ sản xuất cho các nhà máy, doanh nghiệp tại Libya.
Hoạt động khai thác dầu khí ở phía Tây Libya thường xuyên bị đứt quãng vì các nhóm vũ trang canh gác các mỏ dầu phong tỏa các cơ sở này để đòi thù lao hoặc vì các động cơ chính trị.
Mỏ dầu Sharara nằm ở phía Tây Libya, là mỏ dầu lớn nhất tại quốc gia Phi này với công suất khai thác 270.000 thùng/ngày và là nguồn cung dầu xuất khẩu chính của Libya.
Cuối năm 2014, mỏ dầu này bị các nhóm canh gác đóng cho tạm dừng hoạt động và được khôi phục trở lại vào tháng 12/2016.
Theo ông Moustafa Sanalla, ngày 1/10 vừa qua, nhóm vũ trang canh gác mỏ dầu Sharara lại cho ngưng hoạt động khai thác tại mỏ này với lý do không nhận được thù lao trong suốt thời gian qua đồng thời yêu cầu chính quyền Libya thả một số thành viên của mình và cung cấp nhiên liệu cho các thành phố phía Nam nước này.
Chủ tịch NOC cho đây là hoạt động tống tiền, gây áp lực và nhấn mạnh tập đoàn này sẽ không đáp ứng bất kỳ điều kiện nào của nhóm phiến quân.
Việc phục hồi khai thác và xuất khẩu dầu là cần thiết để phục hồi kinh tế Libya – với nguồn thu chính từ xuất khẩu dầu thô - đang suy yếu, đồng thời giúp trấn an người dân trước tình trạng bất ổn chính trị và an ninh kể từ khi chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011.
Tính đến tháng 9/2016, Libya không có dầu xuất khẩu từ các cảng chính của nước này. Số liệu thống kê của NOC cho biết, việc đóng cửa các mỏ dầu trong suốt thời gian qua đã làm thiệt hại trên 130 tỷ USD đối với nền kinh tế nước này./.
TIN KHÁC
OPEC khẳng định dầu mỏ vẫn là trụ cột năng lượng toàn cầu đến 2050(11/07/2025)
Giá dầu giảm hơn 2% do áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ(11/07/2025)
Giá dầu tăng nhẹ trong phiên 9/7 khi giới đầu tư cân nhắc dữ liệu nhu cầu xăng tại Mỹ ở mức cao, cùng với các vụ tấn công tàu thuyền tại Biển Đỏ.(10/07/2025)
Mỹ điều chỉnh giảm dự báo sản lượng dầu năm 2025(09/07/2025)
Ukraine đề xuất trao mỏ khí đốt, cơ sở lọc dầu lớn nhất quốc gia cho Mỹ(09/07/2025)