OPEC: Động thái tiếp theo của FED sẽ tác động tới thị trường dầu mỏ
02:51 SA @ Thứ Năm - 15 Tháng Chín, 2016

Trong báo cáo tháng mới nhất, Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) nhận định rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương khác sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề tăng trưởng toàn cầu và sức khỏe của ngành năng lượng.

Trong báo cáo tháng 9, các nước thuộc OPEC cho rằng xu hướng tăng trưởng chậm hiện nay sẽ kéo dài tới hết năm 2017. Các quyết định của các ngân hàng trung ương và những diễn biến chính trị sắp tới sẽ có ảnh hưởng tới vấn đề này.

Lãi suất đang ở mức thấp tại các nền kinh tế lớn. Hiệu quả của các gói kích thích tiền tệ đã giảm bớt mặc dù nó vẫn còn đóng vai trò quan trọng tại một số quốc gia. Bất kỳ quyết định chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là FED, sẽ có ảnh hưởng tới thị trường. Hơn thế nữa, khả năng mở rộng các khói kích thích tài khóa đang bị hạn chế tại các nền kinh tế chủ chốt do mức nợ cao.

Ý kiến của OPEC được đưa ra trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu ngập trong sắc “đỏ” do lo ngại về việc FED tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Nếu Chủ tịch FED - bà Janet Yellen – và các cộng sự quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 này, đồng USD sẽ có cơ sở để tăng giá, khiến giá dầu tăng lên một cách gián tiếp với người mua hàng bằng đồng tiền này.

Điều này sẽ cản trở nhu cầu và tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu. Trái ngược với mong muốn tăng trưởng cung-cầu của các nhà sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới như OPEC, Mỹ và Nga.

OPEC nhận định rằng tốc độ tăng trưởng toàn cầu khiêm tốn sẽ tiếp tục được duy trì từ nay cho tới cuối năm nhưng ngành năng lượng có thể trở thành phao cứu sinh bất chấp việc bị ảnh hưởng bởi sự thu hẹp nguồn đầu tư.

Ngày 12/9, OPEC cho biết hiện nay đang có một vài động lực chính thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong ngắn hạn. Ngành năng lượng cũng đang gây ra tác động tiêu cực tới tăng trưởng toàn cầu do đầu tư và giá trị sản lượng suy giảm.

Cho tới thời điểm này, các tín hiệu tích cực từ nhu cầu vẫn chưa thể bù đắp hoàn toàn cho những tác động mà ngành năng lượng gây ra. Nếu thị trường dầu mỏ có thể bình ổn trong những tháng tới, chắc chắn điều đó sẽ mang lại sự hỗ trợ tích cực cho các hoạt động kinh tế nói chung.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng toàn cầu ở mức thấp, OPEC vẫn tỏ ra lạc quan vào tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu. Tổ chức này giữ nguyên quan điểm rằng thị trường dầu mỏ đang tiếp tục quá trình tái cân bằng của mình.

OPEC cũng đưa ra cảnh báo về những hạn chế các chính phủ sẽ gặp phải khi muốn kích thích tăng trưởng. Tại hầu hết các nền kinh tế lớn, khả năng mở rộng các biện pháp kích thích tài khóa là rất nhỏ bởi nợ đang ở mức cao. Các diễn biến chính trị đang ngày càng liên quan tới các quyết định chính sách tài khóa, ví dụ như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hay sự kiện Brexit.

Bất chấp tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế hiện nay, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ sau điều chỉnh sẽ tăng thêm 1,23 triệu thùng/ngày trong năm 2016 nhờ các số liệu kinh tế tích cực trong 6 tháng đầu năm nay. Tổng nhu cầu sử dụng dầu trong năm 2016 dự kiến đạt trung bình 94,27 triệu thùng/ngày.

Trong báo cáo lần này, OPEC giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm 2017 sẽ tăng thêm 1,15 triệu thùng/ngày lên mức 95,42 triệu thùng/ngày. Các thị trường tiêu thụ chính trong năm tới sẽ tiếp tục là Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ.

Nhu cầu sử dụng dầu mỏ do OPEC sản xuất trong năm 2016 ước tính đạt 31,7 triệu thùng/ngày, tăng 1,7 triệu thùng/ngày so với năm 2015. Tới năm 2017, mức tăng giảm chỉ còn 0,8 triệu thùng/ngày, nâng tổng mức nhu cầu lên con số 32,5 triệu thùng/ngày.

OPEC dự báo nguồn cung ngoài tổ chức sẽ giảm 610.000/thùng trên ngày trong năm nay, đẩy mức trung bình xuống còn 56,32 triệu thùng/ngày. Nguyên nhân tới từ thay đổi nguồn cung tại Mỹ, Na Uy và Kazakhstan.