Ngày 4/1, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã quyết định duy trì mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 2 tới, trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Một cơ sở khai thác dầu ở gần al-Khurj, phía nam thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN
Sau một cuộc họp trực tuyến ngắn, 23 thành viên của OPEC+ đã nhất trí duy trì chính sách dầu mỏ hiện nay là tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày vào tháng 2. Đây là mức mà tổ chức này đã thực hiện từ tháng 5/2021. Cùng ngày, Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng OPEC+ (JMMC) cho biết thị trường dầu toàn cầu đang ở trạng thái cân đối, song sẽ rơi vào tình trạng dư cung từ quý I/2022.
Trước đó, OPEC+ đã từ chối đề xuất tăng nhanh sản lượng của Mỹ để kiềm chế đà tăng của giá nhiên liệu, do lo ngại tình trạng cung vượt cầu có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi mong manh của ngành năng lượng.
Hồi năm 2020, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, OPEC+ buộc phải cắt giảm mạnh sản lượng dầu mỏ do nhu cầu giảm. Tuy nhiên, trong năm 2021, tổ chức này đã quyết định tăng dần sản lượng trở lại khi giá dầu phục hồi, đồng thời tiến hành đánh giá tình hình hằng tháng.
Trong cuộc họp chính sách hồi tháng 12/2021 vừa qua, OPEC+ đã nhất trí tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng dầu hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày bất chấp việc giá dầu biến động mạnh, Mỹ mở kho dự trữ dầu chiến lược và quan ngại gia tăng về biến thể mới Omicron.
Các chuyên gia của OPEC nhận định biến thể Omicron chỉ tác động nhẹ đến nhu cầu và đà tăng của giá dầu được dự đoán sẽ tiếp diễn trong năm 2022. Dù biến thể Omicron vẫn đang lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới, song có dấu hiệu cho thấy biến thể này ít nghiêm trọng hơn so với quan ngại ban đầu của thị trường.
Liên quan thị trường dầu mỏ, giá dầu Brent đã tăng lên mức 79,76 USD/thùng trong phiên giao dịch cùng ngày, cao hơn 15% so với trước khi diễn ra cuộc họp chính sách của OPEC+ hồi đầu tháng 12 vừa qua.
TIN KHÁC
Xuất khẩu nhiên liệu của Nga đạt mức cao nhất trong tám tháng(29/11/2024)
Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đẩy giá dầu tăng(29/11/2024)
Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 27/11(28/11/2024)
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu(27/11/2024)
Hungary sẵn sàng từ bỏ dầu mỏ của Nga với một điều kiện(26/11/2024)