Tàu chở dầu Nga tìm mọi cách né các lệnh trừng phạt
12:57 SA @ Thứ Năm - 12 Tháng Năm, 2022

Gần 1/3 số tàu chở dầu thuộc công ty vận tải hàng hải lớn nhất tại Nga đã di chuyển mà không báo cáo điểm đến để né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo Nikkei Asia, công ty vận tải hàng hải Sovcomflot của Nga đã không báo cáo thông tin điểm đến của 24 trong số 76 tàu chở dầu tại cùng một thời điểm vào tháng 3 và tháng 4.

Con số này cao hơn gấp gần 5 lần số tàu không có điểm đến cao nhất trong năm qua của Sovcomflot.

Gần 1/3 số tàu chở dầu thuộc công ty vận tải hàng hải lớn nhất tại Nga đã di chuyển mà không báo cáo điểm đến. (Ảnh: Reuters)

Các tàu chở dầu có thể cố ý không báo cáo điểm đến để bí mật kinh doanh trong bối cảnh phương Tây áp lệnh trừng phạt với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga.

Dữ liệu từ TankerTrackers.com cho thấy khối lượng dầu thô của Nga được vận chuyển trên các tàu không có điểm đến đã tăng gấp 17 lần trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 4.

“Tài liệu liên quan đến tàu hoặc hàng hóa trên tàu có thể đã bị làm giả, hoặc hàng hóa đã được chuyển qua lại nhiều lần giữa các tàu để che giấu nguồn gốc đến từ quốc gia bị trừng phạt”, ông Daisuke Harada từ Cơ quan tài nguyên dầu, khí và kim loại quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) cho biết.

Các tàu của Sovcomflot có điểm đến rõ ràng sẽ di chuyển tới những khu vực không áp đặt lệnh trừng phạt đối với dầu Nga - điển hình là Trung Quốc.

Việc Mỹ và phương Tây thắt chặt biện pháp trừng phạt kinh tế đã khiến các tàu Nga gặp khó khăn trong việc tìm kiếm điểm dừng. Tuy nhiên, việc này cũng khiến dầu thô của Nga hạ giá mạnh so với các tiêu chuẩn quốc tế và trở thành nguồn cung hấp dẫn đối với những nhà thu mua năng lượng lớn.

Theo dữ liệu của JOGMEC, Nga đã xuất khẩu 5,33 triệu thùng dầu thô/ngày vào năm 2021. Dầu vận chuyển qua các đường ống trên đất liền chiếm 34% lượng dầu xuất khẩu, phần còn lại được vận chuyển bằng tàu.

Hiện giá dầu thô Urals rẻ hơn khoảng 30% so với dầu thô Brent, vì vậy nhu cầu đối với dầu Nga tương đối cao. Xuất khẩu dầu của nước này sang Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt tăng 15% và 22% trong tháng tính đến ngày 24/4, theo dữ liệu của TankerTrackers.com. Bên cạnh đó, các lô dầu xuất khẩu sang Hà Lan cũng tăng khoảng 20%.

Nguồn: