Thị trường dầu mỏ: Nhà đầu tư thận trọng
09:05 SA @ Thứ Tư - 12 Tháng Sáu, 2024

Giá dầu thế giới tăng nhẹ vào phiên giao dịch ngày 11/6, sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay.

Trong ảnh: Một cơ sở khai thác dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya. Ảnh: AFP/ TTXVN

Giá dầu thế giới tăng nhẹ vào phiên giao dịch ngày 11/6, sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay. Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giữ nguyên dự báo tăng trưởng tương đối mạnh đối với nhu cầu dầu năm 2024.

Kết thúc phiên này, dầu thô Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 29 xu Mỹ (tương đương 0,4%), lên 81,92 USD/thùng. Giá loại dầu này tiếp tục phục hồi mạnh, do lo ngại về tình trạng dư cung đã giảm bớt kể từ khi giá dầu Brent đóng cửa ở mức 77,52 USD/thùng một tuần trước đó, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2024.

Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao kỳ hạn tăng 16 xu, tương đương 0,2%, đạt mức 77,90 USD/thùng.
EIA đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2024 lên 1,10 triệu thùng/ngày, so với ước tính trước đó là 900.000 thùng/ngày. Trong khi đó, OPEC duy trì dự báo năm 2024 về nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng tương đối mạnh, với lý do kỳ vọng về du lịch bùng nổ trong nửa cuối năm.

Trong tháng này, OPEC và các đồng minh đã đồng ý gia hạn hầu hết các thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu đến năm 2025, nhưng cho biết họ sẽ loại bỏ dần việc cắt giảm kể từ tháng 10/2024.

EIA cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ vào năm 2024 dự kiến sẽ tăng nhiều hơn dự báo trước đó, lên 13,24 triệu thùng, mức cao nhất từ trước đến nay.
Số liệu của Viện Dầu khí Mỹ cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 2,428 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 7/6.

Dữ liệu kinh tế của Mỹ nhìn chung khá mạnh mẽ và lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khiến thị trường tài chính nhận định khả năng chỉ có hai đợt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm/lần trong năm nay, có thể bắt đầu vào tháng 9/2024.

Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Philip Lane của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho rằng,  ECB nên kiên trì kiềm chế tăng trưởng kinh tế do áp lực lạm phát quá lớn và chờ đợi đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo cho đến khi sự bất ổn giảm bớt.

Các nhà giao dịch cũng thận trọng trước khi các dữ liệu kinh tế vĩ mô từ Trung Quốc được công bố vào ngày 12/6./.

Nguồn: