Trung Quốc đã phát hiện mỏ dầu trữ lượng có thể lên tới hơn 100 triệu tấn, con số tương đương hơn một nửa sản lượng của nước này vào năm 2023.
Trung Quốc phát hiện trữ lượng dầu thô có thể lên tới 107 triệu tấn ở lưu vực Tam Môn Hiệp thuộc tỉnh Hà Nam, miền Trung nước này, trong bối cảnh nhà chức trách tăng cường nỗ lực tăng cường an ninh năng lượng và ít phụ thuộc hơn vào nhập khẩu dầu.
Tờ Nhật báo Hà Nam cho biết quy mô ước tính của mỏ dầu này đã được Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc thuộc Bộ Tài nguyên Thiên nhiên báo cáo. Trữ lượng của nó tương đương hơn một nửa sản lượng của Trung Quốc trong năm 2023.
“Mỏ dầu có nền tảng để xây dựng cơ sở tài nguyên dầu khí mới”, đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin, đồng thời mô tả phát hiện này là một cột mốc quan trọng trong cuộc khảo sát dầu khí kéo dài 50 năm được thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Theo báo cáo, dầu được tìm thấy ở Hà Nam là dầu thô nhẹ, không chứa nước nên việc tinh chế tương đối dễ dàng.
“Mỏ dầu này chiếm gần 1/3 tổng sản lượng dầu khí hiện tại của đất nước, đây là trữ lượng đáng kể và khiến nó trở thành một phát hiện quan trọng đối với Trung Quốc, vì quốc gia đang phụ thuộc nhiều vào dầu thô ở nước ngoài”, Peng Peng, Chủ tịch điều hành của Hiệp hội Cải cách Quảng Đông cho biết.
Dầu thô là dầu mỏ chưa tinh chế được chiết xuất trực tiếp từ lòng đất và được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp liên quan đến may mặc, hóa chất, y học, hàng không vũ trụ...
Mặc dù sản lượng dầu thô của Trung Quốc tương đối lớn trên bình diện toàn cầu, nhưng nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên này vẫn rất cao do là nước sản xuất công nghiệp lớn nhất thế giới.
Theo số liệu hải quan, Trung Quốc dựa vào nhập khẩu từ nước ngoài để đáp ứng hơn 70% nhu cầu dầu thô và năm ngoái nước này đã nhập khẩu 564 triệu tấn, tăng 11% so với 508 triệu tấn vào năm 2022.
Nga đã thay thế Ả Rập Xê-út trở thành nước bán dầu hàng đầu cho Trung Quốc. Dữ liệu hải quan cho thấy gần 19% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của nước này đến từ Nga vào năm ngoái, trong khi hơn 15% đến từ Ả Rập Xê-út.
Mỹ cũng nằm trong số 10 nước bán dầu thô hàng đầu của Trung Quốc. Quốc gia đông dân này nhập khẩu 14,28 triệu tấn dầu thô từ Mỹ vào năm ngoái, chiếm 2,5% tổng lượng nhập khẩu.
Đối mặt với những bất ổn bên ngoài, nền kinh tế thứ 2 thế giới đang tăng cường tìm kiếm nguồn dầu trong nước.
Trong bối cảnh an ninh năng lượng trở thành trọng tâm trong chiến lược phòng ngừa rủi ro của các nhà hoạch định chính sách, các nhà phân tích kỳ vọng rằng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sẽ giảm bớt nhờ sự thúc đẩy của Bắc Kinh đối với các nguồn năng lượng mới.
Ông Peng cho biết, việc Bắc Kinh nhấn mạnh vào việc phát triển “ba thứ mới” (xe điện, pin lithium và pin mặt trời) để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sẽ đẩy nhanh việc giảm nhu cầu dầu thô của Trung Quốc, phù hợp với các mục tiêu giảm thiểu carbon của quốc gia.
Năm ngoái, Trung Quốc đã sản xuất hơn 390 triệu tấn dầu và khí đốt, trong đó có 208 triệu tấn dầu thô, theo dữ liệu do Cơ quan Năng lượng Quốc gia công bố hồi đầu tháng này.
Theo dữ liệu gần đây nhất của Bộ Tài nguyên, trữ lượng dầu của Trung Quốc đạt khoảng 3,8 tỷ tấn vào năm 2022, chiếm khoảng 1,58% trữ lượng toàn cầu và đứng thứ 13 trên thế giới.
Trữ lượng dầu của Trung Quốc chỉ bằng 9% so với nước đứng đầu là Venezuela và 10% so với nước đứng thứ hai là Ả Rập Xê-út.
TIN KHÁC
Giá dầu thế giới tăng vọt(25/11/2024)
BP chuyển đổi nhà máy lọc dầu thành trung tâm năng lượng bền vững(22/11/2024)
Lo ngại nguy cơ căng thẳng nguồn cung, giá dầu thô tăng mạnh(22/11/2024)
Ba lỗ hổng lớn trong chính sách dầu mỏ của G7 giúp Nga lách lệnh trừng phạt(21/11/2024)
Dự trữ dầu tại Mỹ tăng mạnh kéo giá "vàng đen" đi xuống(21/11/2024)