9 tháng qua, sản lượng nhập khẩu các loại xăng dầu tăng gần 23%, lên tới 6,5 triệu tấn. Cùng với đó, việc tạm dừng thực hiện thủ tục hải quan tại 6/52 kho xăng dầu đầu mối do chưa lắp đặt và kết nối thiết bị đo bồn bể tự động với cơ quan hải quan, không ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu xăng dầu...
6 kho xăng dầu đầu mối chưa trang bị thiết bị đo mức bồn, bể tự động đáp ứng điều kiện theo quy định từ ngày 10/8.
Cung cấp thông tin về công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu 9 tháng vừa qua, Tổng cục Hải quan cho biết sản lượng nhập khẩu các loại xăng dầu vào Việt Nam là hơn 6,5 triệu tấn trị giá hơn 6,8 tỷ USD, tăng 22,7% về lượng và tăng đột biến 131,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với đó, mức giá kê khai thuế đối với nhập khẩu xăng RON 92 trong khoảng 865-1.339 USD/tấn, xăng RON 95 là 825-1.369 USD/tấn, dầu D.O (diezel) là 610-1.443 USD/tấn, dầu Mazut là 463-1.158 USD/tấn.
VÌ ĐÂU TẠM DỪNG THỰC HIỆN THỦ TỤC HẢI QUAN VỚI 6 KHO XĂNG DẦU?
Về thị trường nhập khẩu, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu xăng dầu, với hơn 2,5 triệu tấn, chiếm 39,16% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước trong 9 tháng đầu năm và tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp đến là thị trường Malaysia với gần 1 triệu tấn, giảm mạnh so với con số gần 1,7 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, nhập khẩu 960.508 tấn từ Singapore...
Tổng cục Hải quan khẳng định: "Thủ tục nhập khẩu và thông quan đối với mặt hàng xăng dầu là một mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất và tiêu dùng luôn được cơ quan hải quan thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và theo đúng quy định của pháp luật".
Để tiếp tục tạo thuận lợi và rút ngắn hơn nữa thời gian thông quan, kịp thời đưa hàng hóa vào lưu thông trên thị trường, Tổng cục Hải quan có văn bản số 3642/TCHQ-GSQL ngày 31/8/2022 chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thông quan nhanh chóng đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu.
Đồng thời, bố trí cán bộ, công chức trực giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và xử lý vướng mắc đối với xăng dầu nhập khẩu kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính đảm bảo thông quan 24/7. Các cục hải quan cũng chủ động nắm sát tình hình thực tế, giải quyết các vướng mắc phát sinh, chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cho biết thêm ngày 15/6/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2020/NĐ-CP (Nghị định 67) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan, có hiệu lực từ ngày 10/8/2020.
Theo đó, tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 67 sửa đổi, bổ sung Điều 22 Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 về điều kiện kiểm tra, giám sát kho xăng dầu quy định rõ: "Thương nhân kinh doanh xăng dầu có 2 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực để hoàn thiện điều kiện theo quy định như lắp đặt thiết bị đo mức bồn, bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng dầu xuất, nhập, tồn kho với cơ quan hải quan, tức là thời gian thực hiện sẽ tính từ ngày 10/8/2022".
Cơ quan hải quan tạm dừng thực hiện thủ tục hải quan tại 6 kho chưa có thiết bị đo bồn bể tự động, chưa kết nối với cơ quan hải quan, không ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối. (Tổng cục Hải quan). |
Quy định về tiêu chuẩn bồn bể chính thức áp dụng từ ngày 10/8 vừa qua giúp cho cơ quan quản lý nắm được chính xác, kịp thời số lượng xăng dầu nhập khẩu, đồng thời thu đúng số thuế để nộp, nâng cao hiệu quả quản trị của doanh nghiệp.
Thiết bị đo bồn bể tự động là một hệ thống thiết bị điện tử có chức năng cơ bản là theo dõi mức nhiên liệu trong bồn chứa xăng dầu, từ đó, đánh giá thực trạng hàng hóa xăng dầu theo thời gian thực mà không cần qua các thao tác thủ công nào.
Đồng thời, quản lý số lượng nhiên liệu tại thời điểm trước khi nhập bồn và sau khi nhập bồn...
Đây là quy định để siết chặt các chiêu gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng, dầu xuất nhập khẩu, tạm nhập - tái xuất, đảm bảo kinh doanh công bằng và tính tuân thủ giữa các doanh nghiệp.
Triển khai Nghị định nêu trên, Tổng cục Hải quan có nhiều văn bản để đôn đốc doanh nghiệp và hải quan đảm bảo thực hiện đúng nội dung, thời hạn quy định của pháp luật.
"Các doanh nghiệp cũng có thời gian 2 năm để chuẩn bị trước khi Nghị định 67 có hiệu lực đối với quy định về tiêu chuẩn bồn bể. Trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan cũng không nhận được phản ánh vướng mắc từ phía các doanh nghiệp khi triển khai Nghị định số 67/2020/NĐ-CP nêu trên", Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
Tổng cục Hải quan cũng nêu rõ hiện có 46/52 kho xăng dầu đầu mối, chiếm gần 88,5% đáp ứng quy định tại Nghị định số 67 về việc lắp đặt và kết nối thiết bị đo mức bồn bể tự động với cơ quan hải quan. Còn lại 6 kho, chiếm 11,5% chưa đáp ứng quy định.
Trong vòng 6 tháng kể từ ngày quyết định tạm dừng có hiệu lực, nếu các công ty chủ quản không hoàn thiện việc lắp đặt và kết nối thiết bị đo mức bồn, bể tự động với cơ quan hải quan, Tổng cục Hải quan sẽ thu hồi các quyết định xác nhận kho xăng dầu đủ điều kiện kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.
Mặt khác, theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, sản lượng sản xuất xăng dầu trong nước đáp ứng 70%, lượng xăng dầu tiêu thụ tại Việt Nam, số còn lại 30% từ nguồn nhập khẩu.
Do đó, "cơ quan hải quan tạm dừng thực hiện thủ tục hải quan tại các kho chưa có thiết bị đo bồn bể tự động, chưa kết nối với cơ quan hải quan, không ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối", Tổng cục Hải quan khẳng định.
ĐỒNG LOẠT GIẢM 4 SẮC THUẾ, KÌM ĐÀ TĂNG GIÁ XĂNG DẦU
Trước biến động bất thường của giá xăng dầu trên thế giới thời gian qua, hàng loạt chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu được ban hành.
Cụ thể, một là,về thuế nhập khẩu.
Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày 8/8/2022 để sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi từ mức thuế suất 20% xuống mức thuế suất 10%.
Theo đó, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt mặt hàng xăng thuộc nhóm 2710.12 theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (FTA) là 8%; 8,8% và 20%; mặt hàng dầu thuộc nhóm 2710.19 là 0%; 5%; 7%; 8% và 20%.
Hai là, về thuế bảo vệ môi trường.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2022.
Cụ thể, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022, tương ứng giảm từ 3.000 đồng/lít xuống còn 1.500 đồng/lít, theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021.
Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022.
Tiếp đó, giảm kịch sàn mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn trong khung thuế quy định tại Luật thuế Bảo vệ môi trường 57/2010/QH12 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 6/7/2022. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 11/7/2022.
Cụ thể, xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.
Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.
Mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg. Còn dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Đáng chú ý, ngày 30/9 vừa qua, Bộ Tài chính có tờ trình số 224/TTr-BTC trình Chính phủ về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế VAT đối với xăng dầu.
Cụ thể, giảm tối đa thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn.
Đồng thời, kiến nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế VAT đối với xăng dầu cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.
Hiện mặt hàng xăng dầu đang chịu mức thuế VAT 10% tương tự như nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.
Còn theo quy định của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt thì chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại.
Căn cứ Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Điều 7 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 sửa đổi năm 2014, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.
TIN KHÁC
Một số thông tin về việc điều hành giá xăng dầu ngày 28/11/2024(28/11/2024)
Ngân hàng PVcomBank tham gia tư vấn thu xếp vốn cho Dự án NCMR NMLD Dung Quất(28/11/2024)
Chính thức thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)(27/11/2024)
Buôn lậu xăng dầu diễn biến phức tạp trên biển Tây(27/11/2024)
29 cửa hàng xăng dầu TP.HCM tạm ngưng hoạt động vì nhiều lý do(26/11/2024)