Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển
03:03 SA @ Thứ Sáu - 09 Tháng Chín, 2022

Sáng nay (8/9), Báo Đầu tư tổ chức cuộc Tọa đàm “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển”.

Để hiểu rõ hơn về biến động giá xăng dầu tác động như thế nào đến kinh tế trong nước và kịch bản hữu hiệu ứng phó với những biến động này để giữ vững mức tăng trưởng ổn định, bền vững, sáng nay (8/9), Báo Đầu tư tổ chức cuộc Toạ đàm “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển”.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết, sau hơn 2 năm đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, Việt Nam và thế giới đang dần quay lại cuộc sống bình thường. Nhiều chính sách mở cửa, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành tạo đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế, kỳ vọng mang lại những cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.

Trong bối cảnh các nền kinh tế đang tăng tốc mạnh mẽ, cộng thêm những bất ổn địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng chưa thể giải quyết, giá xăng dầu đã từng tăng lên mức cao vượt xa mọi dự đoán trước đó, và mặc dù hiện tại giá nhiên liệu có phần giảm nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá nhiên liệu sớm được bình ổn, viễn cảnh tăng giá vẫn đang ở trước mắt.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư.

Tại thị trường Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng 10% sẽ khiến lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm phần trăm. Giá dầu ảnh hưởng tới giá các nguyên liệu đầu vào khác, trực tiếp tác động dây chuyền đến cả nền kinh tế.

Tính riêng chỉ trong hơn 10 ngày qua, giá xăng dầu thế giới có biến động mạnh, đặc biệt tại thị trường Singapore. Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước, nếu tham chiếu trên thị trường Singapore, giá xăng RON95 tại Việt Nam đang thấp hơn từ 500-800 đồng mỗi lít; xăng E5RON92 đang thấp hơn khoảng 400-700 đồng/lít và đặc biệt giá dầu đang thấp hơn từ 1.900 - 2.450 đồng/lít.

Trước diễn tiến thị trường xăng dầu quốc tế bất ổn gia tăng, giá trong nước sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới do giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Tình trạng biến động giá xăng dầu tác động trực tiếp tới thu nhập, chi tiêu và đời sống của người dân cũng như doanh nghiệp do giá thành sản xuất và phân phối sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tăng cao, làm tăng CPI.

Các diễn giả tham gia Tọa đàm

Theo ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp và đã thu được một số kết quả tốt.

Tuy nhiên, để có thể thích ứng với chi phí xăng, dầu tăng, ông Tuấn Anh cho rằng, ngoài việc điều chỉnh giá bán một số sản phẩm cho phù hợp, doanh nghiệp cũng nên triển khai thực hiện đồng thời một số giải pháp như tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu ở mức tối đa nhằm có thể giảm bớt một phần chi phí, tăng cường quản lý, giám sát quá trình sản xuất kinh doanh chặt chẽ hơn, hạn chế thất thoát; đàm phán với đơn vị vận chuyển (xe thuê ngoài) để không tăng cước vận chuyển quá cao; tìm kiếm thêm các nhà cung cấp nguyên vật liệu khác để có chất liệu tốt, giá thành biến động ít nhất; đầu tư cải tiến dây chuyền để cải thiện môi trường làm việc và tăng năng suất để hạn chế chi phí đội giá thành sản phẩm.

Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để giảm áp lực lạm phát do giá dầu cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay. Cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu tới hết năm 2022 và/hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát giá cả thị trường. Yêu cầu doanh nghiệp công khai, minh bạch về giá cả, có các chế tài xử lý nghiêm việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng theo giá xăng dầu không hợp lý. Cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (cả trong nước và nhập khẩu), điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Khôi cũng lưu ý, cần kết hợp đồng bộ chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá để giảm thiểu tác động đến lạm phát khi triển khai Chương trình phục hồi kinh tế.

Từ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản trong ứng phó trong bối cảnh bất ổn về nguồn cung và về giá xăng dầu trên thế giới, ông Kenya Maeda, Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại & Cung ứng dầu thô, Thị trường Toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan dự báo, nhu cầu dầu thô toàn cầu trong trung và dài hạn dự kiến sẽ tăng. Dựa trên các kế hoạch mở rộng hoặc đóng cửa từ các nhà máy lọc dầu trong khu vực châu Á, ông Kenya dự đoán, khả năng cung cấp các sản phẩm từ xăng dầu trong trung và dài hạn sẽ không thoả mãn được nhu cầu tăng trưởng.

"Để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng (ngay cả trong thị trường mà không có triển vọng ổn định trong tương lai), cần phải thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm xăng dầu, từ thu mua các nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến bán hàng và tiêu dùng”, ông Kenya nói.

Theo ông Lê Trọng Minh, thông qua lăng kính và góc nhìn chuyên nghiệp của các nhà hoạch định chính sách, đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế và đại diện các doanh nghiệp trong ngành cả Việt Nam và quốc tế sẽ mang tới những góc nhìn đa chiều, đa dạng hơn về các giải pháp ứng phó với biến động về giá và nguồn cung dầu khí.

Các nội dung thảo luận trong Tọa đàm cũng sẽ là thông tin tham khảo trong việc xây dựng chính sách bình ổn giá, ổn định thị trường, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, xanh, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam trước các cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy đến trong tương lai.

Nguồn: