Bộ Tài chính đề nghị xây dựng Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi
03:43 SA @ Thứ Năm - 23 Tháng Hai, 2023

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, nhằm giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ.

Bộ Tài chính đề nghị xây dựng Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi - Ảnh 1.

Bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB và áp dụng thuế suất phù hợp

Theo Bộ Tài chính, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2009 thay thế cho Luật thuế TTĐB năm 1999, Luật sửa đổi một số điều của Luật thuế TTĐB năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB và Luật thuế GTGT năm 2005. Luật thuế TTĐB năm 2008 đã qua 04 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, 2016 và năm 2022 để xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn.

Các nội dung sửa đổi bổ sung Luật thuế TTĐB trong thời gian qua đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội như góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng có thu nhập cao, góp phần tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội; góp phần bảo vệ môi trường; góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế TTĐB hiện hành vẫn còn những hạn chế nhất định cần tiếp tục được hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế TTĐB như đối tượng chịu thuế TTĐB còn hẹp so với thông lệ quốc tế; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa thực sự rõ ràng dẫn đến vướng mắc trong thực tế thực hiện; thuế suất thuế TTĐB đối với một số hàng hoá khi sử dụng gây tác hại đến sức khoẻ và xã hội, cũng như việc điều tiết đối với một số hàng hoá xa xỉ còn thấp chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội; chưa có quy định hoàn trả thuế TTĐB đối với số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết đối với một số mặt hàng cần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường.

Yêu cầu của thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ.

Mở rộng cơ sở thu thuế; hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại

Việc xây dựng Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi nhằm mục tiêu thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí có hại cho sức khoẻ và môi trường; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; phù hợp xu hướng cải cách thuế của quốc tế; đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.

Mục tiêu cụ thể là mở rộng cơ sở thu thuế; hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khoẻ, môi trường; khuyến khích đầu tư, sản xuất, nhập khẩu và sử dụng xe ô tô thân thiện môi trường; sửa đổi bất cập trong quy định hiện hành để bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật.

Bổ sung đối tượng chịu thuế và áp dụng thuế suất phù hợp

Dự thảo đề xuất 4 chính sách thực hiện như sau:

Chính sách 1: Mở rộng cơ sở tính thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế (bổ sung đối tượng chịu thuế và áp dụng thuế suất phù hợp).

Giải pháp là nghiên cứu bổ sung áp thuế TTĐB đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước như: đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng,...

Chính sách 2: Điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, một số mặt hàng nhằm góp phần bảo vệ môi trường.

Giải pháp là nghiên cứu bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số mặt hàng; tăng thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia) để hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng; điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường và khắc phục bất cập phát sinh trong thực tế.

Chính sách 3: Sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Luật để đảm bảo cơ sở pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo chính sách minh bạch và đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan.

Giải pháp: bổ sung quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế TTĐB để đảm bảo cơ sở pháp lý giải quyết vướng mắc phát sinh, đồng bộ với quy định của pháp luật khác (Luật hàng không dân dụng Việt Nam, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế bảo vệ môi trường, Tiêu chuẩn Việt Nam về Phương tiện giao thông đường bộ - Ô tô...).

Chính sách 4: Sửa đổi, bổ sung về điều khoản hướng dẫn thi hành.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nguồn: