Chiết khấu xăng dầu quá thấp, bán lẻ lao đao
09:41 SA @ Thứ Ba - 08 Tháng Mười, 2024

Tính đến 18 giờ ngày 7-10, mức chiết khấu xăng dầu dao động từ 40 đồng đến 500 đồng/lít tùy kho hàng, nhưng cũng có nơi chiết khấu 0 đồng.

Một cây xăng trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TPHCM) đóng cửa, ngưng hoạt động vài năm qua
Một cây xăng trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TPHCM) đóng cửa, ngưng hoạt động vài năm qua

Chiều 7-10, một số doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn TPHCM, cùng nhiều tỉnh thành đồng loạt phản ánh tình trạng chiết khấu rất thấp, có nơi không có chiết khấu.

Thống kê từ các doanh nghiệp, mức chiết khấu tính đến 18 giờ cùng ngày dao động từ 40 đồng đến 500 đồng/lít xăng hoặc dầu, tùy kho. Trong khi đó, theo tính toán của các doanh nghiệp, mức chiết khấu khoảng 1.000 đồng/lít thì mới đủ bù đắp chi phí (mặt bằng, thuê nhân viên…), doanh nghiệp mới có lời.

Doanh nghiệp bán lẻ phân tích rằng, chiết khấu tại kho xuống thấp, nếu cộng thêm chi phí vận chuyển về 150-170 đồng/lít trên 100km, dẫn tới doanh nghiệp càng bán càng lỗ.

Gọi điện đến phóng viên tối cùng ngày, lãnh đạo một doanh nghiệp có chuỗi cửa hàng xăng dầu tại TPHCM và Long An buồn bã nói, trong ngày 7-10, các cây xăng đã lỗ hàng tỷ đồng.

Chia sẻ với phóng viên Báo SGGP, ông Hoàng Kim Lập, chủ cây xăng đầu mối Tân Hòa (TP Buôn Ma Thuột) cho biết, doanh nghiệp hiện rất khó khăn do mức chiết khấu giảm mạnh.

“Chúng tôi chịu đựng khó khăn suốt thời gian qua. Mới đây, vợ chồng tôi cho nhân viên nghỉ việc để tự mình đứng bán, vừa làm chủ vừa làm nhân viên, nhưng mỗi tháng vẫn phải bù lỗ khoảng 30 triệu đồng”, ông Lập nói.

 Khách đổ xăng tại cây xăng Petrolimex trên đường Trường Chinh (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM)
Khách đổ xăng tại cây xăng Petrolimex trên đường Trường Chinh (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM)

Cùng cảnh ngộ với ông Lập, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hải Âu Phát (Lâm Đồng) cho biết, chiết khấu từ thương nhân phân phối để lại cho các doanh nghiệp bán lẻ ở kho Nhà Bè (TPHCM) xuống 0 đồng/lít.

Đáng lo ngại hơn, bên cạnh chiết khấu thấp, doanh nghiệp bán lẻ cũng khó đặt hàng. Do vậy, nếu tình trạng không có hàng kéo dài, sau vài ngày hết lượng tồn trữ, các cây xăng buộc phải đóng cửa.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cho hay, hiện tại các cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp này tạm đủ nguồn cung nhưng nếu cấp hàng nhỏ giọt như vài ngày nay sẽ không đủ hàng bán cho người tiêu dùng sau 3-4 ngày nữa. Một trong những nguyên nhân, theo ông Thắng, do đầu mối găm hàng, chờ điều chỉnh giá bán.

Tại một cuộc họp mới đây, Bộ Công Thương cho hay, dự kiến 4 tháng cuối năm nay, hai nhà máy lọc dầu gồm Nghi Sơn và Bình Sơn sản xuất khoảng 6,6 triệu m3/tấn xăng dầu các loại; lượng nhập khẩu đạt khoảng 3,6 triệu m3/tấn. Trong khi, dự kiến sản lượng tiêu thụ 4 tháng cuối năm đạt trên 8 triệu m3/tấn (khoảng hơn 2 triệu m3/tấn/tháng), hàng tồn kho từ 1,8 - 2 triệu tấn.

Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), nếu không có yếu tố đột biến, nguồn cung xăng dầu năm nay đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân.

Nguồn: