Chiết khấu cho đại lý xăng, dầu ở Nghệ An nhiều thời điểm bằng 0, khiến kinh doanh thua lỗ. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3/2024 đến nay, mức chiết khấu xăng, dầu tăng cao duy trì ổn định.
Chiết khấu tăng, các đại lý phấn khởi
Chị Trần Thị Loan - chủ cửa hàng xăng, dầu ở thị trấn Giát, huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: Suốt một thời gian dài chiết khấu thấp, thậm chí có thời điểm về 0, nhưng từ tháng 3/2024, chiết khấu xăng, dầu tăng cao, bình quân đạt từ 1.100 đồng/lít đến 1.400 đồng/ lít. Mức chiết khấu này duy trì được sự ổn định suốt hơn 5 tháng qua.
Mỗi ngày cửa hàng bán được gần trên 6.000 lít xăng, dầu, với chiết khấu này đơn vị đủ tiền lương trang trải cho 4 lao động và trừ các chi phí khác vẫn còn có lãi 600 đồng/lít. Cũng theo bà Loan, hiện nay nguồn cung xăng, dầu khá ổn định, cứ 2-3 ngày là được đơn vị cung ứng xăng, dầu cấp 20 m3 xăng, dầu.
Chủ cửa hàng xăng dầu thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành cho biết: Cửa hàng mỗi ngày bán trên 1.100 lít xăng, dầu. Với mức chiết khấu trên thì cửa hàng bán lẻ xăng, dầu có đủ tiền trang trải và có lãi, tuy nhiên, cần sự ổn định lâu dài.
Ông Võ Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Nghệ An cho biết: Công ty Xăng, dầu Nghệ An chiếm 55% thị phần, có 83 cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh. Từ khoảng tháng 3/2024 đến nay, mức chiết khấu cho các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đạt khá cao từ 1.200 -1.500 đồng/lít, có những thời điểm tăng lên 2.000 đồng/lít.
Nguồn hàng của đơn vị ổn định, từ đầu năm 2024 đến nay, Công ty Xăng dầu Nghệ An đã cung ứng 426.000 m3 xăng, dầu cho 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, trong đó cung ứng cho Nghệ An 192.000 m3, cung ứng cho Hà Tĩnh, Quảng Bình là 234.000 m3.
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương lý giải nguyên nhân chiết khấu xăng, dầu tăng cao trong thời gian qua là do hiện nay tình hình xăng, dầu thế giới dần ổn định, 2 nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn và Dung Quất đã đi vào sản xuất đảm bảo.
Khi các tập đoàn, thương nhân đầu mối có lãi thì họ sẽ chia sẻ, nâng mức chiết khấu với hệ thống phân phối. Thời gian qua, Sở Công Thương đã có các văn bản gửi cấp, ngành có thẩm quyền, như đề nghị Bộ Tài chính xem xét các chi phí hợp lý để doanh nghiệp đầu mối tăng chiết khấu cho các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu.
Đảm bảo đủ nguồn cung
Theo báo cáo của Sở Công Thương, địa bàn Nghệ An hiện có trên 600 cửa hàng xăng, dầu. Nhu cầu sử dụng xăng, dầu bình quân trên địa bàn tỉnh từ 58.000-60.000 m3/tháng. Nguồn cung ứng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An gồm: Công ty Xăng dầu Nghệ An (chiếm khoảng 55% thị phần) đáp ứng khoảng 35.000 – 38.000m3 xăng, dầu/tháng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (chiếm khoảng 15% thị phần) đáp ứng khoảng 9.000m3 xăng, dầu/tháng.
Các thương nhân phân phối khác chiếm 30% thị phần, đáp ứng khoảng 15.000 – 18.000m3 xăng, dầu/tháng. Nhìn chung, hệ thống cung ứng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trên địa bàn, hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng, dầu vẫn hoạt động bình thường, không xảy ra hiện tượng thiếu hụt nguồn cung xăng, dầu.
Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng, dầu trên địa bàn chủ động khai thác nguồn cung ứng xăng, dầu, thực hiện phương án nhập khẩu xăng, dầu theo hạn mức được giao để đảm bảo cung cấp xăng, dầu đầy đủ, liên tục cho thị trường; chia sẻ nguồn cung, điều chỉnh chiết khấu hợp lý để bảo đảm không gián đoạn nguồn cung ứng xăng, dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo hoạt động cung ứng, phân phối và bán lẻ xăng, dầu của doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn. Xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định nhằm đảm bảo nguồn cung xăng, dầu ổn định, thông suốt, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Cục quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp lực lượng trong việc kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh xăng, dầu (thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng, dầu), kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi đầu cơ găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng, dầu, ngừng cung ứng bán lẻ xăng, dầu và các hành vi vi phạm khác có liên quan. Quá trình kiểm tra, giám sát không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị kinh doanh xăng, dầu.
Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu cam kết chấp hành nghiêm các quy định về duy trì cung ứng xăng, dầu trong hệ thống và tại các cửa hàng bán lẻ, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Cam kết bảo đảm nguồn cung xăng, dầu phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp trong mọi tình huống. Không găm hàng, đầu cơ tích trữ, đưa tin thất thiệt nhằm trục lợi, không giảm thời gian bán hàng. Không tự ý ngưng bán hàng khi chưa được Sở Công Thương chấp thuận.
TIN KHÁC
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)