Hóa đơn điện tử chống thất thu thuế trong kinh doanh xăng dầu
01:44 SA @ Thứ Ba - 17 Tháng Giêng, 2023

Áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh xăng dầu là vô cùng cần thiết, vừa giúp tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu vừa mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này và chống thất thu thuế, đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Minh bạch hóa hoạt động kinh doanh xăng dầu

Tính đến cuối tháng 11/2022, đã có trên 2,1 tỷ hóa đơn điện tử (HĐĐT) được phát hành. Tổng cục Thuế cho hay, hệ thống HĐĐT được toàn ngành vận hành thông suốt đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, xăng dầu thuộc mặt hàng được Nhà nước quản lý như nhập khẩu, điều phối và dự trữ chiến lược. Đặc biệt, xăng dầu là một mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Trước tình trạng gian lận trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu gây thiệt hại cho người tiêu dùng và gây thất thu cho ngân sách nhà nước (NSNN), đặc biệt, trong bối cảnh việc áp dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu chưa thể triển khai đồng bộ trong phạm vi cả nước, ngành Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp có những biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế nhằm tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu để đảm bảo chống thất thu thuế và hạn chế gian lận đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Một trong những giải pháp ngành Thuế đã triển khai là phối hợp với các ngành chức năng dán tem niêm phong kẹp chì đồng hồ tổng trên các cột xăng dầu. Việc dán tem tại các cột xăng nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, giảm thất thu thuế NSNN. Sau thời gian triển khai dán tem tại các cột xăng dầu, tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu bước đầu cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, đây chưa là giải pháp hoàn hảo cho sự minh bạch, vì vậy ngành Thuế đã nỗ lực nghiên cứu và thí điểm áp dụng HĐĐT vào mua bán xăng dầu trước khi bắt buộc áp dụng HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã thí điểm triển khai hóa đơn điện tử của VNPT từ năm 2018. Ảnh:HH

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã thí điểm triển khai hóa đơn điện tử của VNPT từ năm 2018. Ảnh: HH

Việc triển khai HĐĐT xăng dầu cũng được ngành Thuế kỳ vọng góp phần minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, ngăn chặn tình trạng buôn bán xăng dầu lậu, không rõ nguồn gốc trên thị trường, từ đó chống thất thu thuế cho Nhà nước. Ngoài ra, ngành Thuế cũng kỳ vọng sẽ tích hợp phần mềm quản lý bán hàng song song, đồng bộ phần mềm quản lý thuế để cá nhân, DN có thể lập tức lấy được hóa đơn khi thực hiện mua bán xăng dầu tại các cột bơm. Cùng với đó, dữ liệu mua bán được truyền thẳng về cơ quan thuế để quản lý, giám sát.

Chính vì vậy, giải pháp cho ngành bán lẻ xăng dầu hiện nay chính là HĐĐT. Nhà nước đã có những quy định rất cụ thể về việc HĐĐT đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu, tạo hành lang pháp lý vững chắc, giúp các DN có thể dễ dàng áp dụng triển khai thực hiện.

Lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng

Chủ trương dùng HĐĐT và kết nối dữ liệu trong kinh doanh xăng dầu đã được Tổng cục Thuế triển khai thí điểm tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Lộ trình áp dụng được chia làm 3 giai đoạn: Từ 1/1/2018 áp dụng tại Công ty mẹ Tập đoàn và Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình; từ 1/2/2018 áp dụng tại Công ty Xăng dầu B12 và Công ty Xăng dầu Tây Nam Bộ; từ 1/4/2018, áp dụng trong toàn hệ thống Petrolimex. Triển khai chủ trương này, ngành Thuế kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước, DN và người tiêu dùng.

Sau thời gian áp dụng HĐĐT tại Petrolimex, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ghi nhận, HĐĐT có 2 ưu điểm nổi bật: Thứ nhất là thuận tiện, theo đó, khách hàng dễ dàng nhận HĐĐT qua địa chỉ email hoặc truy cập vào trang web của Petrolimex http://hoadon.petrolimex.com.vn để truy xuất hóa đơn.

Thứ hai là an toàn, HĐĐT được lưu trữ dưới dạng file dữ liệu điện tử trên hệ thống server của Petrolimex trong 10 năm; an toàn trước các nguy cơ mất, hỏng, rách hóa đơn, đặc biệt trong quá trình vận chuyển xăng dầu trên đường nhiều khi kéo dài tới 1 - 2 ngày.

Phó Tổng giám đốc Petrolimex chia sẻ, đối với Petrolimex, với lượng xăng dầu bán ra khoảng trên 12 triệu m3 mỗi năm, sẽ phải tự in gần 20 triệu tờ hóa đơn giấy. HĐĐT tiết kiệm đáng kể chi phí in phôi, chi phí đầu tư, vận hành, bảo trì máy in, chi phí gửi hóa đơn cho khách hàng và nhất là chi phí xây kho để lưu giữ, bảo quản.

Theo ông Trần Ngọc Năm, việc phát hành HĐĐT là một xu thế tất yếu, giảm bớt những gánh nặng về TTHC, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng, tiết giảm chi phí kinh doanh. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng thuận tiện trong việc tra cứu thông tin để kiểm soát. Đây là một chương trình mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng, Nhà nước và DN.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc sử dụng HĐĐT trong lĩnh vực xăng dầu là hướng đi thích hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển của văn minh thương mại thế giới. Ngoài ra, áp dụng HĐĐT trong hoạt động kinh doanh xăng dầu sẽ hạn chế tình trạng mua bán xăng dầu lậu, xăng dầu giả, kém chất lượng và ngăn chặn hiệu quả việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Đặc biệt, khi triển khai HĐĐT, cả cơ quan quản lý thuế, DN đều có thể truy cập nhanh chóng vào Cổng thông tin xăng dầu của DN để tra cứu tất cả thông tin mua vào, bán ra, giúp cả hai phía thuận tiện trong việc kiểm soát, đối chiếu số liệu.

Kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử giữa cửa hàng và cơ quan thuế

Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, góp phần phòng, chống gian lận thương mại, tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng và chống thất thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ Công thương phối hợp nghiên cứu bổ sung quy định việc thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT) và kết nối dữ liệu HĐĐT giữa các cửa hàng xăng dầu, cơ sở sản xuất kinh doanh xăng dầu với cơ quan thuế là một trong những điều kiện để doanh nghiệp được phép kinh doanh xăng dầu tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Nguồn: