Bộ Tài Chính cần sớm cập nhật, xem xét các kiến nghị để tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối hiện nay.
Đó là kiến nghị của doanh nghiệp tại "Hội nghị Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu" do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức sáng 21/9.
Hội nghị Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Dầu khí Sơn Hải cho biết, việc tổ chức Hội nghị “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu” rất kịp thời và cần thiết trong giai đoạn kinh doanh xăng dầu khó khăn như hiện nay.
Từ thực tiễn hoạt động về kinh doanh xăng dầu của đơn vị trong thời gian qua, ông Nguyễn Đức Hạnh nêu, doanh nghiệp chúng tôi thấy có rất nhiều khó khăn trong kinh doanh.
Ông Hạnh chia sẻ, về chiết khấu (hoa hồng): Từ tháng 7/2022 đến nay chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng dầu và các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu như chúng tôi rất thấp, có những thời điểm chiết khấu bằng 0 và 50-100 đồng/lít tại kho đầu nguồn.
“Với chiết khấu như trên thương nhân như chúng tôi càng bán càng lỗ, chi phí không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định, lỗ chồng lỗ. Trong khi các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương yêu cầu phải bán hàng và không được phép đóng cửa” - ông Hạnh nói.
Về chi phí tối thiếu cho 1 lít xăng dầu từ cảng đầu nguồn cho đến khâu bán lẻ, ông Hạnh cũng cho hay, công ty đang thực chi như sau: Từ kho đầu nguồn về cửa hàng, tính bình quân cửa hàng gần cũng như cửa hàng xa khoảng 250km. Với giá thành vận tải khoảng 150 đồng/lít thực tế/km có hàng tương ứng khoảng: 375 đồng/lít thực tế.
Hao hụt từ kho đầu nguồn về cửa hàng theo Thông tư 43/2015/TT-BCT ngày 8/12/2015 có hiệu lực từ ngày 1/5/2016: Hao hụt vận chuyển đường bộ đối với xăng: 0,071%/100 km; hao hụt vận chuyển đường bộ đối với dầu: 0,035 %/100 km.
"Ví dụ, với xe sitec 22.000m3 vận chuyển 250km, hao hụt vận chuyển xăng: 22.000 x 0,071% x 250/100 = 39,05 (lit); hao hụt vận chuyển dầu: 22.000 x 0,035% x 250/100 = 19,25 (lít)" - ông Hải dẫn chứng.
Chưa kể, chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn cho người lao động tại cửa hàng; chi phí hao hụt tồn, chứa, nhập, xuất; chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí công cụ dụng cụ tại cửa hàng; chi phí về điện, nước, chi phí trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm cháy nổ; chi phí về quản lý tại cửa hàng; chi phi lãi vay vốn lưu động...
“Giá thành thực tế phải chi phí cho 1 lít xăng từ khâu vận chuyển, kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ tại cửa hàng: 1.217 - 1.341 đồng/lít; gía thành thực tế phải chi phí cho 1 lít dầu từ khâu vận chuyển, kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ tại cửa hàng: 1.130 - 1.254 đồng/lít” - ông Hạnh cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Hạnh, theo điều 11 của Thông tư 104/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 có hiệu lực từ ngày 2/1/2022, lợi nhuận định mức không thay đổi được áp dụng tối đa 300 đồng/lít. Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, an sinh xã hội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho đất nước, thì 1 lít xăng dầu chi phí tối thiểu phải từ: Đối với xăng: 1.517 - 1.641 đồng/lít; đối với dầu: 1.430 - 1.554 đồng/lít mới đảm bảo và bù đắp được chi phí trong kinh doanh xăng dầu cho thương nhân phân phối cũng như đại lý bán lẻ xăng dầu. Qua thực tế ở trên, chúng tôi đề nghị các cơ quan, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của cuộc họp hôm nay để sớm có văn bản báo cáo về trên.
“Đặc biệt, Bộ Tài Chính sớm cập nhật, xem xét một số kiến nghị trên để tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối hiện nay theo Thông tư số: 104/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 về hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu” - ông Nguyễn Đức Hạnh nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ giá thành đầu vào của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí thực tế cho các đầu mối nhập khẩu. Nhà nước có quy định yêu cầu các đầu mối nhập khẩu cho các tổng đại lý, đại lý chiết khấu hoa hồng mức tối thiểu để đảm bảo đủ chi phí trong kinh doanh...
Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng Yên Bái cho biết, doanh nghiệp đang đối mặt rất nhiều khó khăn do mức chiết khấu xăng dầu hiện nay thấp.
Cách đây 6 năm, mức chiết khấu khoảng 600 đồng/lít, doanh nghiệp mới đủ chi phí vận hành. Hiện nay, doanh nghiệp có 5 cửa hàng và 10 đai lý, hàng hóa chiết khấu bằng 0 đồng/lít giao tại kho Đức Giang (Hà Nội), vận chuyển từ Đức Giang đến Yên Bái chi phí khoảng 450 đồng/lít.
"Các đại lý của công ty cách TP. Yên Bái khoảng 100-120km, chủ yếu là đường đất, vùng sâu, vùng xa, thậm chí mùa lũ lụt việc vận chuyển đi lại còn khó khăn hơn nhiều" - bà Nguyễn Thị Sinh nói.
Doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu tại kho Đức Giang chiết khấu bằng 0 đồng/lít, có thời điểm cao hơn là 20 đồng/lít, 70 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí vận chuyển xăng dầu từ kho Đức Giang đến các đại lý đều ở vùng sâu, vùng xa, chi phí khoảng 700 đồng/lít.
"Trong khi đường đèo núi, mưa không đi được, chờ mưa rút đi mới qua được, thậm chí xe đi qua bánh trước lên được, 2 bánh sau không đi được nên xệ xuống, lại mất thêm chi phí xe kéo. Mức chiết khấu doanh nghiệp tính toán phải khoảng 1.200-1.300 đồng/lít mới đủ để bù trừ chi phí cho doanh nghiệp” - bà Sinh chia sẻ thêm.
Về tình trạng cung ứng xăng dầu, bà Sinh thông tin thêm, từ khoảng tháng 8/2022 đến nay, tình trạng khan hiếm, đứt hàng xảy ra liên tục, không có hàng để cấp. Thời gian trước, doanh nghiệp đầu mối cấp xăng dầu cho công ty theo sản lượng bình quân của 3 tháng trước đó, song hiện nay khi nào có hàng mới cấp. Thời điểm cấp hàng nhiều là khoảng 27 m3/ngày là cả xăng và dầu, trong khi khu cầu thực tế của 5 cửa hàng và 10 đai lý của công ty gấp khoảng 2,5 lần con số đó.
Bà Lê Thị Nhã, đại diện doanh nghiệp tư nhân Văn Phúc cho rằng, xăng dầu là hàng hóa nên cần tuân theo quy luật thị trường một cách khách quan, càng không nên đưa ra các quy định độc quyền đầu vào nhằm thủ tiêu cạnh tranh, bởi nó sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy.
Ví dụ, Nghị định 83/NĐ-CP/2014 và 95/NĐCP/2021 hiện nay đang quy định mỗi đại lý bán lẻ xăng dầu tại một thời điểm chỉ được mua hàng của 1 đơn vị cung cấp. "Nếu muốn thay đổi nhà cung cấp thì phải đổi giấy phép, mà mỗi lần thay đổi giấy phép thì phải làm nhiều thủ tục, mất thời gian, công sức của doanh nghiệp. Đồng thời cây xăng sẽ phải ngừng bán hàng một thời gian kể từ khi ký thanh lý với bên bán cũ để chuyển sang bên bán mới" - bà Lê Thị Nhã nêu.
TIN KHÁC
Một số thông tin về việc điều hành giá xăng dầu ngày 28/11/2024(28/11/2024)
Ngân hàng PVcomBank tham gia tư vấn thu xếp vốn cho Dự án NCMR NMLD Dung Quất(28/11/2024)
Chính thức thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)(27/11/2024)
Buôn lậu xăng dầu diễn biến phức tạp trên biển Tây(27/11/2024)
29 cửa hàng xăng dầu TP.HCM tạm ngưng hoạt động vì nhiều lý do(26/11/2024)