Lãi ròng năm 2023 của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR) đạt hơn 8.400 tỷ đồng - mức cao thứ hai trong lịch sử hoạt động. Mức crack spread năm 2024 hiện được dự báo sẽ vẫn neo cao sẽ giúp hỗ trợ hoạt động kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR - sàn UPCoM) ghi nhận doanh thu đạt 41.932 tỷ đồng, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này đã tăng mạnh 31%, đạt 2.529 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu tài chính của Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng tăng gần 31%, đạt 959 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế trong quý 4/2023 của Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt 2.269 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế cả năm 2023, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận doanh thu thuần 146.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 8.455 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 42% so với mức nền cao kỷ lục trong năm 2022. Tuy nhiên, đây vẫn là mức lợi nhuận cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của Lọc hóa dầu Bình Sơn.
So với kế hoạch kinh doanh vừa được điều chỉnh tăng hồi cuối tháng 12/2023, Lọc hóa dầu Bình Sơn hoàn thành 101% mục tiêu doanh thu và 173% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Trong năm 2023, tổng sản lượng của Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt hơn 7,36 triệu tấn sản phẩm, tương đương công suất suất vận hành trung bình là 111% - mức cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt 86.453 tỷ đồng, tăng 10% so với hồi đầu năm.
Đối với cơ cấu nguồn vốn, Lọc hóa dầu Bình Sơn chỉ phát sinh vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn với giá trị đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng 23% so với hồi đầu năm và chiếm 13% tổng nguồn vốn.
Về triển vọng kinh doanh, hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá lợi nhuận năm 2024 của Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ giảm xuống do tiến hành bảo dưỡng định kỳ trong khoảng 50 ngày (từ tháng 3 - tháng 4/2024), khiến sản lượng có thể giảm khoảng 10% so với năm 2023 nhưng sản lượng tiêu thụ sẽ không bị ảnh hưởng.
Ban lãnh đạo Lọc hóa dầu Bình Sơn hiện ước tính, nếu dừng hoạt động 50 ngày, dựa trên kịch bản giá dầu thô ở mức 70 USD/thùng, dự kiến doanh thu của công ty trong năm 2024 sẽ giảm 18.000 - 24.000 tỷ đồng, lợi nhuận giảm gần 1.000 tỷ.
VNDirect Research hiện nhận định mức crack spread (mức chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm tinh chế từ dầu) của các sản phẩm lọc dầu tầng trung sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2024.
Cụ thể, mức crack spread dầu diesel và nhiên liệu bay ở châu Á trong năm 2024 dự kiến sẽ lần lượt đạt trung bình 21 USD/thùng và 20 USD/thùng, so với mức trung bình lần lượt 23,5 USD/thùng và 22,5 USD/thùng trong năm 2023. Đây sẽ là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận của Lọc hóa dầu Bình Sơn trong năm 2024.
Lọc hóa dầu Bình Sơn hiện đang lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi (FS) cho dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động từ quý 1/2028, công suất của Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ tăng thêm 17% lên 7,6 triệu tấn mỗi năm (tương đương 171.000 thùng/ngày) và các sản phẩm xăng và dầu diesel sẽ được nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro-V.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất mở rộng cũng sẽ nâng tỷ trọng các sản phẩm lọc dầu có giá trị cao (LPG, JetA1) và các sản phẩm hóa dầu của Lọc hóa dầu Bình Sơn. Việc chuyển đổi dần sang lĩnh vực hóa dầu cũng sẽ là con đường kinh doanh trong dài hạn của công ty.
TIN KHÁC
Một số nội dung còn có ý kiến khác nhau tại Dự thảo nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu(25/11/2024)
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)