Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR): Phân xưởng chính NMLD Dung Quất đã sản xuất trở lại
09:39 SA @ Thứ Hai - 15 Tháng Tư, 2024

Phân xưởng Chưng cất dầu thô – Nhà máy Lọc dầu Dung Quất của ông ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR) đã kết thúc bảo dưỡng và hoạt động trở lại.

Phân xưởng CDU của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã chính thức hoạt động trở lại.
Phân xưởng CDU của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã chính thức hoạt động trở lại.

Vào lúc 13h30 ngày 14/4/2024, phân xưởng Chưng cất dầu thô (CDU) Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thuộc Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR - sàn UPCoM) đã chính thức hoàn thành bảo dưỡng, khởi động trở lại và sản xuất thành công các sản phẩm thương mại đạt chất lượng ngay trong quá trình Bảo dưỡng tổng thể lần 5 (TA5) của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Phân xưởng CDU đã hoàn thành bảo dưỡng cơ khí và được liên doanh nhà thầu PTSC, Newin Engineering bàn giao cho Lọc hóa dầu Bình Sơn vào ngày 10/4. Sau khi nhận bàn giao, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã tiến hành ngay công tác chuẩn bị khởi động trở lại.

Từ ngày 12/4, phân xưởng CDU bắt đầu nạp nguyên liệu dầu thô và khởi động trở lại theo các quy trình khởi động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Đến chiều ngày 14/4, sản phẩm thương mại đầu tiên (Jet A1/Kerosene) đã đạt tiêu chuẩn chất lượng cùng một số cấu tử trung gian được đưa về khu bể chứa trung gian để tiếp tục phối trộn các sản phẩm khác của Nhà máy.

Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, phân xưởng CDU đang duy trì ổn định ở mức 72% công suất. Quá trình khởi động lại phân xưởng CDU được đảm bảo an toàn, không phát hiện các rò rỉ, không có sự cố…

“Đây là tiền đề quan trọng để các gói thầu khác đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao cơ khí cho công ty để hoàn tất việc chạy khởi động toàn Nhà máy”, ông Mai Tuấn Đạt - Phó Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết.

Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng cho biết, tính đến ngày 14/4, tiến độ bảo dưỡng cơ khí đợt TA5 của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đạt 95,85% so với kế hoạch đề ra.

Hiện, Lọc hóa dầu Bình Sơn đang tích cực phối hợp với các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bảo dưỡng các hạng mục công việc còn lại để sớm khởi động các phân xưởng công nghệ khác như CCR, RFCC... Việc này sẽ đáp ứng mục tiêu đưa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành trở lại sớm hơn so với kế hoạch, góp phần cung ứng nguồn cung xăng dầu, nhiên liệu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trước đó, ban lãnh đạo Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở kỹ thuật, năng lực nội tại và kinh nghiệm tích lũy được qua 4 đợt bảo dưỡng tổng thể đã thực hiện trước đó (năm 2011, 2014, 2017, 2020), công ty phấn đấu rút ngắn thời gian đợt bảo dưỡng lần này xuống dưới 48 ngày với các mục tiêu: đảm bảo an toàn tuyệt đối, chất lượng cao nhất, tiến độ và tối ưu chi phí.

Trên thực tế, qua các lần bảo dưỡng tổng thể, thời gian bảo dưỡng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đều hoàn thành sớm hơn kế hoạch nhờ tích lũy kinh nghiệm triển khai và áp dụng các công nghệ mới.

Về triển vọng kinh doanh, hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá lợi nhuận năm 2024 của Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ giảm xuống do tiến hành bảo dưỡng định kỳ, khiến sản lượng có thể giảm khoảng 10% so với năm 2023 nhưng sản lượng tiêu thụ sẽ không bị ảnh hưởng.

Trước đó, ban lãnh đạo Lọc hóa dầu Bình Sơn ước tính, nếu dừng hoạt động trong khoảng 50 ngày, dựa trên kịch bản giá dầu thô ở mức 70 USD/thùng, dự kiến doanh thu của công ty trong năm 2024 sẽ giảm 18.000 - 24.000 tỷ đồng, lợi nhuận giảm gần 1.000 tỷ.

VNDirect Research hiện nhận định mức crack spread (mức chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm tinh chế từ dầu) của các sản phẩm lọc dầu tầng trung sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2024. Điều này sẽ hỗ trợ lợi nhuận của Lọc hóa dầu Bình Sơn trong năm nay.

Nguồn: