Lọc hóa dầu Nghi Sơn cung cấp 20 triệu tấn xăng dầu cho thị trường trong nước
01:56 SA @ Thứ Tư - 27 Tháng Bảy, 2022

Ngày 26/7, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) cho biết, đơn vị vừa xuất bán thành công 2 lô sản phẩm xăng dầu cho Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVNDB) theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm xăng dầu (FPOA) được ký kết giữa hai bên từ năm 2013.

Sự kiện này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng của công ty trong việc sản xuất và cung cấp tổng cộng 20 triệu tấn sản phẩm xăng dầu cho thị trường trong nước, tính từ chuyến hàng đầu tiên xuất bán cho PVNDB vào tháng 10/2018, tương đương với nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam mỗi năm là 20,5 đến 21 triệu tấn.

Hiện nay, nguồn cung sản phẩm xăng dầu từ nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho thị trường Việt Nam đang là 35%, đóng góp vào tỷ trọng chung của nguồn cung xăng dầu cả nước vào khoảng 65-70%. 30% nguồn cung còn lại chủ yếu dựa vào nhập khẩu xăng dầu thành phẩm từ các nước khác trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Theo thống kê của Bộ Công thương, mức tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam đang tăng với tốc độ nhanh từ 16,3 triệu tấn năm 2010 lên 20,5 triệu tấn năm 2021, trong khi tỷ lệ cung ứng thông qua hình thức nhập khẩu lại giảm mạnh, từ khoảng 71% năm 2010 xuống 34% năm 2021.

NSRP là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4/2008, với 4 nhà đầu tư bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty Kuwait Petroleum Europe B.V., Công ty Idemitsu Kosan Co., Ltd. và Công ty Mitsui Chemicals Inc, để phát triển, xây dựng và vận hành Khu liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn).

Với tổng vốn đầu tư trên 9 tỷ USD và công suất chế biến 200.000 thùng dầu thô Kuwait mỗi ngày (tương đương 10 triệu tấn mỗi năm), Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong những dự án trọng điểm quốc gia của Việt Nam và là một trong những nhà máy lọc dầu có thiết kế phức tạp nhất đang hoạt động ở châu Á hiện nay.

Vào cuối tháng 1/2022, NSRP phát đi thông báo sẽ giảm công suất hoạt động với lý do khó khăn về tài chính, phải hủy nhập hai tàu dầu thô trong tháng 1, đối diện nguy cơ dừng hoạt động,... đã gây đứt gãy nguồn cung ứng xăng dầu trong nước. Đứng trước tình trạng trên, Lãnh đạo PVN (một trong những bên góp vốn) cho biết, lý do NSRP giảm công suất thời gian qua, bên cạnh các tồn tại về mặt kỹ thuật, NSRP đang rất khó khăn về tài chính và không có khả năng thanh toán các khoản nợ tới hạn, chi phí dầu thô theo đúng hợp đồng đã ký.

Về ngắn hạn, PVN đã hỗ trợ NSRP thông qua việc thanh toán sớm hợp đồng FPOA (EP) để cải thiện dòng tiền và duy trì hoạt động nhằm tối đa lợi nhuận trong bối cảnh thị trường đang rất thuận lợi. Ngoài ra, về phía PVN với vai trò là bên bao tiêu xăng dầu đã luôn nỗ lực thực hiện tốt vai trò bao tiêu (trong bối cảnh NSRP hoạt động không thực sự ổn định, giảm niềm tin đối với các thương nhân đầu mối, các thương nhân đầu mối đã phải chủ động các nguồn nhập khẩu dẫn đến nhiều thời điểm dư cung đã gây nhiều khó khăn cho PVN nhằm hoàn thành trách nhiệm bao tiêu theo cam kết) để bảo đảm không để sản lượng tồn kho cao gây ảnh hưởng đến vận hành ổn định của nhà máy.

Về dài hạn, NSRP cần ngay lập tức nỗ lực tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh để cải thiện tình hình, tự thu xếp tài chính để duy trì hoạt động thay vì tiếp tục tìm kiếm sự đóng góp tài chính bổ sung từ các bên góp vốn. PVN luôn duy trì quan điểm với các bên góp vốn là công tác tái cấu trúc tài chính, tối ưu hóa sản xuất kinh doanh cần được thực hiện quyết liệt, đồng bộ và không thể tách rồi mới cải tổ công tác tổ chức, quản trị để bảo đảm nhà máy hoạt động an toàn, ổn định và hiệu quả,...

Nguồn: