Mặc dù chi ngân sách đã được kìm hãm so với các năm trước song mức bội chi hiện vẫn còn khá lớn. Đặc biệt trong 4 tháng đầu năm qua, mức chi thường xuyên trong ngân sách vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các khoản thu nội địa đang được đẩy mạnh để bù phần hụt thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng qua, thu ngân sách đạt hơn 316.400 tỷ đồng, tăng hơn 62.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ tăng đạt 24%.
Tăng thu nội địa, giảm thu xuất nhập khẩu
Đáng nói, tăng thu ngân sách 4 tháng qua là do các khoản thu từ nội địa tăng cao. Cụ thể, tổng thu ngân sách nội địa 4 tháng đạt 253.800 tỷ đồng, tăng hơn 44.800 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, đóng góp hơn 80% tổng thu ngân sách 4 tháng qua.
Trong các khoản thu nội địa, thu từ dầu thô là lớn nhất với khoảng 49.900 tỷ đồng, tăng trên 30.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Điều này khá bất lợi cho Việt Nam bởi giá dầu thô thế giới vẫn khá thấp.
Các khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân tăng lên hơn 26.200 tỷ đồng, tiền sử dụng đất cũng đạt trên 29.500 tỷ đồng, các loại thuế đối với môi trường cũng được ghi nhận tăng mạnh lên 9.500 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, khoản thu từ cân đối xuất nhập khẩu (XNK) 4 tháng năm 2017 tăng chậm, chỉ đạt 49.900 tỷ đồng, tăng 16.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trong các khoản thu nội địa, thu từ dầu thô là lớn nhất với khoảng 49.900 tỷ đồng, tăng trên 30.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Mức độ tăng ngân sách từ thuế XNK ngày càng giảm bởi Việt Nam đã và đang thực hiện cắt bỏ, giảm bớt nhiều loại thuế quan đối với hàng hóa xuất và nhập khẩu đến nhiều thị trường lớn do cam kết mở cửa thị trường và tự do hóa cạnh tranh/ |
Việc giảm thuế từ hoạt động XNK có thể thấy rõ những áp lực của thu ngân sách Nhà nước đang ngày một đè nặng lên những khoản thu truyền thống từ khai khoáng, đến thuế của khu vực DN và đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân, bảo vệ môi trường…
Bội chi giảm nhưng chi thường xuyên vẫn lớn
Theo số liệu của cơ quan Bộ KH&ĐT, 4 tháng qua chi ngân sách cả nước đạt hơn 336.800 tỷ đồng, tăng hơn 18.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, đạt mức bội chi khoảng 20.400 tỷ đồng.
Mức bội chi qua 4 tháng dù vẫn là con số lớn, song so với cùng kỳ các năm trước, bội chi đã được khống chế và giảm mạnh. Cùng kỳ năm 2016, mức bội chi ngân sách Nhà nước đạt trên 54.000 tỷ đồng.
Bội chi ngân sách vẫn lớn nhưng đã giảm so với các năm trước
Mặc dù có niềm vui, nhưng nỗi lo ngân sách vẫn còn đó khi chi thường xuyên vẫn tăng khá mạnh. Cụ thể, 4 tháng đầu năm chi thường xuyên cả nước đạt trên 246.700 tỷ đồng, chiếm 73% tổng chi ngân sách, tăng, trên 24.700 tỷ đồng; chi trả nợ đã bị giảm xuống chỉ còn 31.600 tỷ đồng (giảm 11.000 tỷ đồng) chi cho đầu tư phát triển chỉ nhích tăng lên 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược: Ngân sách và câu chuyện thu chi chưa bao giờ nóng như hiện nay bởi ngân sách Nhà nước đang cần nguồn thu để bù đắp những khoản đầu tư khổng lồ, cho bộ máy và duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế…
Trong bối cảnh ấy, thách thức giảm thuế xuất nhập khẩu đang đè nặng lên các cân đối vĩ mô đòi hỏi người làm chính sách phải khôn ngoan, nếu không sẽ “đánh bùn sang ao”, triệt tiêu tăng trưởng.
GS Lược cho rằng: Một trong những điểm đột phá mà Nhà nước đang làm là giảm chi tiêu thường xuyên từ bộ máy công.
Điều này rất đúng và trúng bởi chi tiêu thường xuyên cho bộ máy thời gian vừa qua phình to, lãng phí và là nguyên nhân chính khiến chi ngân sách tăng cao. Thời gian tới, cần nhiều hơn nữa nỗ lực giảm chi thường xuyên để cứu ngân sách, tinh gọn bộ máy.
TIN KHÁC
Một số thông tin về việc điều hành giá xăng dầu ngày 31/10/2024(31/10/2024)
9 tháng đầu năm, BSR đạt doanh thu hơn 87 nghìn tỷ đồng(31/10/2024)
Quản lý thị trường phía Nam đẩy mạnh kiểm tra việc kinh doanh xăng dầu(31/10/2024)
Sóc Trăng đối thoại với 200 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu(30/10/2024)
Ủy ban Mặt trận Lào Xây dựng Đất nước tỉnh Sê Kông - CHDCND Lào đến thăm và làm việc tại NMLD Dung Quất(30/10/2024)