Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư khẳng định Chính phủ không xem khai thác tài nguyên là lời giải bền vững cho phát triển, song đẩy mạnh sản xuất dầu thô là cơ hội tốt nhất để đảm bảo tăng GDP 6,7% năm nay.
Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp khai mạc cuối tháng 5 này, Chính phủ khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm nay, dù bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng vừa có cuộc trao đổi với báo chí để làm rõ mục tiêu cũng như một số giải pháp thực hiện kế hoạch này.
- Đặt mục tiêu dài hạn là ổn định vĩ mô và đổi mới mô hình tăng trưởng, tại sao Chính phủ giữ mục tiêu và tìm giải pháp đẩy tăng trưởng năm nay ở mức 6,7%, trong khi thực tế tốc độ tăng GDP quý I chỉ là 5,1%?
- 2017 là năm thứ hai trong kế hoạch phát triển 5 năm của đất nước. Đây là năm quan trọng và được đánh giá là bản lề đối với việc thực hiện kế hoạch. Trước đó, tăng trưởng trong năm đầu tiên 2016 chỉ đạt 6,21%, không đạt mục tiêu đề ra. Nếu năm nay tiếp tục không đạt, kết quả sẽ ảnh hưởng kế hoạch phát triển kinh tế chung.
Xét về khía cạnh hội nhập quốc tế, nếu chúng ta không phát triển nhanh hơn, tất nhiên phải gắn với bền vững, thì Việt Nam sẽ tụt hậu. Trên một số phương diện, thực tế Việt Nam hiện đã ở vị thế thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% là khó nhưng không phải là không thể thực hiện nếu có những giải pháp đúng đắn, đồng bộ.
Bên cạnh đó, việc giữ tốc độ tăng trưởng cũng là mục tiêu quan trọng, mang nhiều ý nghĩa. Kinh tế tăng trưởng tốt sẽ đem lại nguồn lực cho đầu tư phát triển, việc làm, chi tiêu cho ngân sách, cho tới ổn định xã hội. Bối cảnh trong nước và trên thế giới cũng có nhiều tín hiệu tốt ủng hộ quyết định này của Chính phủ.
Các dự báo của các tổ chức quốc tế gần đây đánh giá triển vọng kinh tế thế giới trong ngắn hạn là rất tốt. Với một nước hội nhập như Việt Nam thì điều này sẽ mang lại tác động tích cực. Trong khi tình hình trong nước đối với một số lĩnh vực đã có sự khởi sắc, đặc biệt là khu vực nông - lâm - ngư nghiệp với thời tiết ổn định, dịch bệnh đã giảm mạnh.
Mục tiêu tăng trưởng 6,7% là khó, thách thức nhưng nếu có giải pháp đúng đắn, đồng bộ và triển khai tích cực thì có thể làm được. Ở chiều ngược lại thì bản thân nền kinh tế cũng phải thực sự cố gắng. Nói khó nhưng không phải không có cơ sở thực hiện.
- Một trong những giải pháp được đưa ra trước mắt là tăng lượng dầu khai thác thêm 1 triệu tấn. Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc này cần được xem xét thận trọng. Ông nghĩ sao?
- Theo tính toán hiện nay thì một triệu tấn dầu khai thác thêm sẽ đóng góp 0,25% vào tăng trưởng kinh tế. Năm 2016, Việt Nam khai thác dầu thô đạt 16 triệu tấn, tuy nhiên kế hoạch khai thác năm 2017 được xây dựng chỉ đạt 12,28 triệu tấn. Trước khả năng còn có thể khai thác thêm và giá dầu đang phục hồi thì đây là cơ hội để ngành khai khoáng đóng góp vào tăng trưởng.
Gần đây, khai khoáng sụt giảm mạnh chủ yếu do dầu thô. Không phải do ngành không hoàn thành kế hoạch, mà là chủ động xin giảm khi thấy biến động giá trên thị trường thế giới đang theo xu hướng tiêu cực.Chính phủ cũng đã xác định việc khai thác tài nguyên sẽ không phải lời giải bền vững cho tăng trưởng. Việc gia tăng lượng khai thác dầu hiện tại chỉ là giải pháp tình thế mang tính ngắn hạn, khi những động lực tăng trưởng mới chưa hình thành rõ ràng.
Quan điểm nhất quán của Chính phủ là không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi với ổn định, phát triển bền vững. Thay vào đó, điều cần làm là cơ cấu lại động lực phát triển và tìm những biện pháp bền vững hơn.
- Vậy ngoài việc khai thác thêm dầu, Chính phủ dự kiến có giải pháp nào khác?
- Mục tiêu của Chính phủ trong dài hạn là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ đó nâng cao năng suất lao động và tính hiệu quả trong nền kinh tế. Về ngắn hạn, điểm quan trọng nhất là tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là giảm chi phí và việc tiếp cận các nguồn lực.
Trên thực tế, số doanh nghiệp đăng ký mới và vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam thời gian trước là rất lớn. Lúc này là thời điểm để đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn nhằm chuyển hóa số vốn đăng ký này thành vốn thực hiện, đóng góp vào nền kinh tế.
Việc giảm chi phí đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến như một vấn đề quan trọng cần làm ngay trong Hội nghị với cộng đồng doanh nghiệp mới đây. Nếu chi phí vẫn cao như hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất khó tạo ra lợi thế cạnh tranh khi hội nhập, khó có thể chen chân vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng đang hình thành.
Năng suất lao động thấp, giá thành cao vốn là thực trạng lâu nay nhưng rất khó để đảo ngược. Thậm chí giá hàng hóa bán thành phẩm của doanh nghiệp nước ngoài còn rẻ hơn nguyên liệu đầu vào sơ cấp tại Việt Nam. Đây là những rào cản bắt buộc phải tháo gỡ.
- Để thúc đẩy kinh tế, Chính phủ dự kiến đề xuất với Quốc hội cơ chế xây dựng những đơn vị hành chính đặc biệt tại Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn về đề xuất này?
- Đây là một giải pháp thu hút đầu tư đang được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư xây dựng thành luật và sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp cuối năm nay.
Trước đây, Trung Quốc từng thành công với những hình thức đặc biệt như đặc khu kinh tế, khu kinh tế mới và khu thương mại tự do... Nhưng đến nay, khi đặc khu kinh tế đã làm hết vai trò thì khu thương mại tự do mới là hình thức thu hút được vốn đầu tư nhiều nhất. Vậy nên Bộ đang cần nghiên cứu để đưa ra một hình thức tối ưu nhất, liệu Việt Nam sẽ đi theo tiến trình từ đầu khi xây dựng đặc khu kinh tế hay sẽ theo mô hình đang phát triển mạnh như khu thương mại tự do.
Hiện tại công tác xây dựng đang gấp rút được thực hiện. Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đã mời các chuyên gia kinh tế, chuyên gia Luật trong và ngoài nước để xin ý kiến. Đồng thời, chúng tôi cũng cử nhiều đoàn làm việc sang các nước khác để tham khảo những hình thái đã có, từ đó tìm ra một mô hình tối ưu nhất. Về cơ bản, đây sẽ là một bước mới để thu hút đầu tư vào Việt Nam.
- Tháp tùng Thủ tướng thăm Mỹ cuối tháng 5 này, ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội mở rộng hợp tác kinh tế của Việt Nam với nền kinh tế lớn nhất thế giới ?
- Lãnh đạo Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á nhận được lời mời của Tổng thống Mỹ - Donald Trump. Điều này cho thấy đây sẽ là chuyến thăm có ý nghĩa và có khả năng để mở ra nhiều cơ hội đầu tư. Hiện đã có khoảng 80-90 doanh nghiệp sẽ cùng tháp tùng Thủ tướng sang Mỹ.
Đây cũng sẽ là cơ hội tốt để nước ta xây dựng mối quan hệ với cường quốc này khi chính sách thương mại ra bên ngoài của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump chưa được định hình rõ ràng, và mang thiên hướng bảo hộ nhiều hơn là hội nhập.
TIN KHÁC
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)