Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã xin Chính phủ cho phép nghiên cứu phương án đầu tư sở hữu chung nhà máy lọc dầu tại Nhật Bản của tập đoàn năng lượng ENEOS, nhằm góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.
Petrolimex đã kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
Kiến nghị trên được Petrolimex gửi đến Thủ tướng, Chính phủ nhân hội nghị trực tuyến “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội" tổ chức vào ngày 24/3.
Cụ thể, lãnh đạo Petrolimex đề nghị Thủ tướng cho phép Petrolimex xúc tiến việc nghiên cứu phương án đầu tư sở hữu chung nhà máy lọc dầu tại Nhật Bản của tập đoàn năng lượng số 1 Nhật Bản ENEOS (hiện là cổ đông chiến lược của Petrolimex) thông qua phương án cấu trúc vốn tối ưu và hoán đổi cổ phiếu của Petrolimex cho đối tác.
Petrolimex cho hay, nhà máy lọc dầu của ENEOS có thể cung ứng các sản phẩm xăng dầu với tiêu chuẩn chất lượng cao nhất thế giới, thân thiện hơn với môi trường mà trong nước chưa sản xuất được.
Sau khi nghiên cứu, nếu có hiệu quả, Petrolimex sẽ xây dựng phương án cụ thể trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tham luận tại hội nghị của Petrolimex cũng nêu rõ, doanh nghiệp chỉ chiếm thị phần gần 50% tổng nhu cầu xăng dầu cả nước nhưng có nhiều thời điểm lượng bán ra lên tới 70% - 80% nhu cầu thị trường. Trong khi đó, tập đoàn hiện sở hữu hơn 2.600 cửa hàng xăng dầu, chiếm chưa đến 20% tổng số cây xăng trên cả nước.
Vì thế, Petrolimex kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho tập đoàn được ưu tiên phát triển cửa hàng xăng dầu; chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam dành 50% vị trí quy hoạch cửa hàng xăng dầu trên tất cả đường cao tốc đang đầu tư bằng nguồn vốn của nhà nước hoặc nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước để chỉ định cho Petrolimex đầu tư với giá tương đương giá đấu giá của thị trường.
Tập đoàn này cũng mong muốn tham gia vào hệ thống kho xăng dầu hàng không tại cảng hàng không quốc tế Long Thành với phân kỳ theo tiến độ phát triển lưu lượng khách thực tế của sân bay Long Thành.
Về cơ chế chính sách, Petrolimex kiến nghị bắt buộc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải áp dụng hóa đơn điện tử có kết nối với cột bơm xăng dầu tới trung tâm dữ liệu quốc gia của cơ quan thuế.
“Đề xuất này để góp phần phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu thuế trong thị trường xăng dầu, qua đó tạo môi trường kinh doanh xăng dầu minh bạch, bình đẳng, tuân thủ quy định pháp luật”, đại diện Petrolimex nêu.
Với định hướng nhà nước vẫn nắm giữ tỉ lệ chi phối tại Petrolimex ở mức trên 50% đến dưới 65%, tập đoàn đề xuất Thủ tướng, Chính phủ xem xét “nới room” cho nhà đầu tư nước ngoài tại Petrolimex lên 35%. Hiện nay, "room" cho nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp được quy định là 20% nhưng thực tế chỉ còn khoảng 3%.
Cuối cùng, Petrolimex kiến nghị Thủ tướng có ý kiến với UBND TP. HCM tạo điều kiện cho phép Công ty Liên doanh Castrol BP Petco được gia hạn giấy phép thêm 20 năm.
TIN KHÁC
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)