Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, UPCoM: PGB) vừa công bố thông tin và tài liệu về ĐHCĐ thường niên năm 2021.
PG Bank vừa công bố tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2021.
HĐQT PG Bank trình ĐHCĐ kế hoạch kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 310 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 45%.
Quy mô tài sản dự kiến tăng trưởng nhẹ hơn 3% lên 37.349 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng kế hoạch đến cuối năm 2021 đạt 27.640 tỷ đồng, tổng huy động vốn kế hoạch đạt 32.518 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng ở mức 7,8% và 13,3% so với thực hiện năm 2020.
Về vấn đề xử lý và thu hồi nợ, ban lãnh đạo PG Bank dự kiến thu hồi tổng cộng 723,8 tỷ đồng, trong đó nợ xấu nội bảng là 308 tỷ đồng, nợ bán cho VAMC là 367 tỷ đồng (kể cả thu từ những khoản vay đã tất toán trái phiếu), thu nợ (gốc và lãi) đã sử dụng dự phòng rủi ro là 48,6 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu năm 2021 dự kiến là 2,5%.
Một nội dung quan trọng mà HĐQT PG Bank trình đại hội là việc sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank).
Theo đó, nội dung sáp nhập giữa PG Bank và HDBank đã được ĐHCĐ của PG Bank thông qua hồi tháng 4/2018. Phía PG Bank cho hay 2 ngân hàng đã khẩn trương và tích cực triển khai giao dịch sáp nhập và đàm phán các nội dung liên quan, hồ sơ xin chấp thuận nguyên tắc cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận vào tháng 10/2018.
Tuy nhiên, giao dịch sáp nhập giữa 2 ngân hàng đến nay vẫn chưa chính thức được chấp thuận. Ban lãnh đạo PG Bank cho rằng thời gian sáp nhập kéo dài ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng này, do đó sẽ trình ĐHCĐ thường niên năm 2021 xem xét thông qua việc dừng giao dịch sáp nhập vào HDBank.
ĐHCĐ thường niên năm 2021 của PG Bank sẽ diễn ra vào ngày 30/3 tới đây tại tòa nhà Mipec, phố Tây Sơn, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
Kết thúc năm 2020, PG Bank ghi nhận thu nhập lãi thuần hơn 906 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với năm 2019.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh ngoại hối, vàng lần lượt thu về 29,98 tỷ đồng và 31,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 8% và giảm 37% so với năm 2019.
Ngược lại, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng mạnh ở mức 200%, tuy nhiên chỉ thu về khiêm tốn hơn 21 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của PG Bank giảm hơn 48% về gần 282 tỷ đồng trong năm 2020, làm lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này tăng vọt lên hơn 212 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần mức thực hiện năm 2019.
Quy mô tài sản của PG Bank tại thời điểm cuối năm 2020 là 36.153 tỷ đồng, tăng 14,5% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng và dư nợ cho vay khách hàng lần lượt đạt 28.738 tỷ đồng và 25.675 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm 2020 của PG Bank giảm từ 3,16% ở thời điểm đầu năm 2020 về 2,44% ở thời điểm chốt năm.
Được biết, 300 triệu cổ phiếu PGB của PG Bank chính thức giao dịch tại hệ thống UPCoM từ ngày 24/12/2020 với mức giá tham chiếu 15.500 đồng/cổ phiếu.
Kết phiên 3/3/2021, giá đóng cửa của PGB là 15.400 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa thị trường ước tính 4.600 tỷ đồng.
TIN KHÁC
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)
Bộ Tài chính đề xuất giảm tiếp thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2025(20/11/2024)