Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đang là nhà cung ứng dầu thô lớn nhất cho Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR)-đơn vị đang quản lý và vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN
Hiện PVOIL đang cung ứng dầu thô cho BSR theo hợp đồng liên kết chuỗi, hợp đồng dài hạn và hợp đồng chuyến. Trong 6 tháng đầu năm 2023, PVOIL cung ứng cho BSR tổng 28,3 triệu thùng dầu thô các loại, tương đương 156.137 thùng/ngày để Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động ở công suất 106%; trong đó, dầu thô Việt Nam chiếm tỷ trọng 74%, còn lại là dầu thô nhập khẩu.
Theo BSR, hiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang chế biến các loại dầu thô như Bạch Hổ, Rồng, Sư Tử Đen, Tê Giác Trắng, Rạng Đông, Đại Hùng, Hải Thạch, Sông Đốc, Ruby (trong nước); dầu WTI Midland, Azeri, Bu Attifel (nhập khẩu). Kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023, PVOIL sẽ cung ứng cho BSR khoảng 20,6 triệu thùng dầu các loại, kể cả nhập khẩu.
Ông Nguyễn Dương Quang, Trưởng ban Dầu thô PVOIL cho biết: PVOIL đã đàm phán với các chủ mỏ, tạo điều kiện để BSR có cơ hội mua tối đa dầu thô Việt Nam trong các kỳ bán dầu thời hạn và chuyến; hỗ trợ BSR đàm phán thỏa thuận khung mua dầu Tê Giác Trắng dài hạn với chủ dầu. Ngoài ra, PVOIL hỗ trợ BSR trong điều độ bốc dầu linh hoạt theo tình hình công suất thực tế của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Cũng theo ông Quang, giai đoạn 2024-2035, PVOIL sẽ cung cấp cho BSR tối đa dầu trong nước và dầu nhập khẩu, trong đó năm 2024 dự kiến cung cấp khoảng 159 nghìn thùng/ngày.
Tuy nhiên, sản lượng dầu thô trong nước đang có xu hướng sụt giảm sản lượng, gây khó khăn cho việc đảm bảo nguồn dầu thô cung ứng cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Thêm vào đó, chất lượng các loại dầu thô trong nước cũng giảm do cuối của chu kỳ khai thác. Ngoài ra, việc thay đổi cảng xuất bán dầu, thách thức trong thực hiện hợp đồng cung cấp dầu thô cũng đang đặt ra các yêu cầu với các bên trong tìm kiếm, mở rộng hợp tác với các nhà cung ứng dầu thô nước ngoài.
Ông Nguyễn Đôn Liêm, Trưởng ban Điều độ sản xuất BSR cho biết, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện cần khoảng 148 nghìn thùng/ngày theo thiết kế, tương đương 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Giai đoạn 2024-2028, nhu cầu dầu thô của BSR khoảng 160-165 nghìn thùng/ngày (tối ưu nâng công suất), tương đương 4,8-5,1 triệu thùng/tháng, trong đó dầu thô nhập khẩu khoảng 1,5-2,6 triệu thùng/tháng.
Hiện rổ dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất gồm 9 loại dầu thô trong nước và 14 loại dầu thô nhập khẩu. BSR cũng đã đánh giá 33 loại dầu thô khác có thể cung ứng cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Đại diện BSR cho biết, sau năm 2028, khi BSR hoàn thành nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lên công suất 171 nghìn thùng/ngày (tương đương 5,3 triệu thùng/tháng.
Theo tính toán tỷ lệ dầu thô nhập khẩu sẽ chiếm khoảng 45-100% (tương đương 2,4-5,3 triệu thùng/tháng). Vì vậy, BSR đang có kế hoạch đẩy mạnh hợp tác với các nhà cung ứng dầu thô và dịch vụ cung ứng dầu thô nước ngoài như Chevron, Novel, Freepoint, Meridien, McQuilling để tiếp cận các nguồn dầu thô dài hạn và chất lượng cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất./.
TIN KHÁC
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)