Nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đi lại của người dân, doanh nghiệp dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Nghệ An đã có kế hoạch dự trữ nguồn xăng dầu, đảm bảo không để thiếu nguồn cung.
Không để đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu
Những ngày cận Tết, có mặt tại cửa hàng xăng dầu chợ Lường thuộc Công ty cổ phần Kinh doanh Tổng hợp Đô Lương (xã Tràng Sơn, Đô Lương), nhận thấy các phương tiện cơ giới vào ra đổ xăng khá nhộn nhịp. Chủ cửa hàng này cho biết: Dịp Tết nhu cầu xăng dầu của nhân dân tăng cao gấp 2 lần, mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 5.000 lít. Để chủ động nguồn hàng cuối năm, trong bể chứa của cửa hàng luôn có hàng chục ngàn lít xăng dầu, nhân viên sẵn sàng phục vụ bán hàng xuyên Tết.
Ông Nguyễn Tất Vinh - Công ty cổ phần Kinh doanh Tổng hợp Đô Lương (một thương nhân chuyên cung ứng xăng dầu) cho biết: Nhằm phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong dịp Tết Nguyên đán 2024, đơn vị chúng tôi đã dự trữ khoảng 4.200 m3 xăng dầu trong kho chứa. Luôn đảm bảo đủ xăng dầu cung cấp cho 13 cửa hàng xăng dầu của đơn vị tại địa bàn các huyện Đô Lương, Tân Kỳ, Yên Thành và 10 đại lý khác.
Ông Nguyễn Trọng Hợi, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đô Lương cho biết thêm: Địa bàn huyện Đô Lương hiện có 30 cây xăng dầu đều đang hoạt động. Huyện thường xuyên phối hợp với phòng kinh tế hạ tầng hàng ngày kiểm tra, giám sát tại các cây xăng dầu lẻ, đảm bảo cung ứng cho nhân dân. Trường hợp cửa hàng tạm ngừng hoạt động phải có lý do chính đáng, báo cáo bằng văn bản về Sở Công Thương Nghệ An nêu rõ lý do ngừng bán và chỉ được ngừng bán khi có văn bản chấp thuận của Sở Công Thương Nghệ An.
Thời điểm này, tại địa bàn ven biển huyện Quỳnh Lưu hoạt động mua bán xăng, dầu cũng diễn ra ổn định. Chủ một cửa hàng xăng dầu ở Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Dịp giáp Tết, cửa hàng vẫn đáp ứng được dầu cho tàu thuyền ra khơi, bình quân bán 800-900 lít/ngày, bể chứa hiện đang còn 10.000 lít dầu, sắp hết dầu là đơn vị cung ứng kịp thời chở đến.
Anh Nguyễn Minh Tiến - một chủ tàu ở xã Tiến Thủy chia sẻ: Mỗi lần tàu về bờ phải “nạp” thêm 4.000 - 5.000 lít dầu để ra khơi, các cây xăng dầu ven biển tại địa bàn xã Tiến Thủy đều đáp ứng đủ, đảm bảo tàu thuyền chúng tôi ra khơi đánh cá.
Đại diện phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quỳnh Lưu cho biết, trên địa bàn hiện có 103 cửa hàng xăng dầu, trong đó, có trên 40 cửa hàng xăng dầu ở các xã ven biển. Huyện phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 4, thường xuyên kiểm tra các cửa hàng bán xăng dầu lẻ vùng biển, không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng, dầu, đảm bảo cho hơn 1.200 tàu thuyền ra khơi đánh bắt cá dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Ổn định nguồn cung xăng dầu từ nay đến hết năm
Ông Nguyễn Văn Hóa, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Tính đến thời điểm này Nghệ An có hơn 600 cây xăng dầu hiện đang hoạt động bình thường, dịp Tết nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sẽ tăng cao hơn khoảng 15-20%. Hiện tại các nhà phân phối xăng dầu trên địa bàn Nghệ An đã xây dựng kế hoạch phục vụ dịp Tết và cả cho năm 2024.
Theo kế hoạch, tổng nguồn cung xăng dầu dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hoàn toàn đáp ứng đủ. Theo đó, trong quý I/2024, các thương nhân xăng dầu có kế hoạch dự trữ khoảng 140.000 m3, trong đó các thương nhân đầu mối gồm Công ty Xăng dầu Nghệ An khoảng 95.500 m3, Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh khoảng 25.000 m3 và các thương nhân phân phối khác…
Mới đây nhất, Sở Công Thương Nghệ An vừa có Công văn số 1953/SCT-QLTM, chỉ đạo đảm bảo nguồn cung và bình ổn thị trường xăng, dầu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thành phố, thị xã: Tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc bán xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi đầu cơ, găm hàng, hạn chế số lượng xăng dầu bán ra.
Kiểm tra việc thực hiện thời gian mở, đóng cửa hàng theo văn bản đã đăng ký thời gian bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước và việc ngừng bán hàng khi chưa có văn bản chấp thuận của Sở Công Thương, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Các cơ quan chức năng tổ chức tiếp nhận thông tin phản ánh qua đường dây nóng để kịp thời kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cửa hàng hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định. Đồng thời giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng dầu đã bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận.
Các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ xăng dầu, chia sẻ nguồn cung, điều chỉnh chiết khấu hợp lý trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu và cam kết đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu trên địa bàn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024. Duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp. Các thương nhân không được găm hàng, phải bán hàng đúng giá niêm yết, mở cửa hàng theo đúng thời gian quy định.
Trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu của đơn vị mình tạm ngừng hoạt động, đóng cửa phải có lý do chính đáng, thực hiện thông báo bằng văn bản về Sở Công Thương. Trong đó ghi rõ lý do ngừng bán hàng và chỉ được ngừng bán hàng sau khi Sở Công Thương chấp thuận bằng văn bản theo quy định, trường hợp vi phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
TIN KHÁC
Một số nội dung còn có ý kiến khác nhau tại Dự thảo nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu(25/11/2024)
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)