Trong thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh, thành đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xăng dầu, qua đó đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm.
Xử lý nhiều vi phạm
Cục QLTT tỉnh Bình Thuận cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT Bình Thuận đã kiểm tra 73 vụ, phát hiện và xử lý 36 vụ vi phạm; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và buộc nộp lại số thu lợi bất hợp pháp hơn 1,64 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ vi phạm tăng 29 vụ và số tiền xử phạt vi phạm hành chính tăng 1,29 tỷ đồng.
Cùng với đó, 9 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT TP Đà Nẵng đã kiểm tra đối với 19 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, qua đó đã xử lý 4 đơn vị vi phạm với số tiền xử phạt vi phạm vi phạm hành chính 72.500.000 đồng. Qua công tác kiểm tra, Cục QLTT TP Đà Nẵng đã phát hiện một số đơn vị thực hiện các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu như: Không ghi tên hoặc ghi không đúng tên thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu cung cấp xăng dầu trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu; Không gửi thông tin hệ thống phân phối xăng dầu cho bên giao đại lý để đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định…
Trong tháng 9/2024, Đội trưởng Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT Hà Giang đã ban hành 2 quyết định xử phạt với tổng số tiền 30 triệu đồng, xử phạt 2 DN vi phạm quy định trong kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện Quang Bình và huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Hay, ngày 30/8, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã tiến kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện Cái Bè. Qua kiểm tra đã phát hiện một DN không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Đến ngày 11/9, Đội QLTT số 5 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 30 triệu đồng. Tương tự, ngày 12/7, Đội QLTT số 6, Cục QLTT tỉnh Long An chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh tiến hành kiểm tra đối với cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên đường tỉnh lộ 824, ấp Bình Hữu 2, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa.
Thời điểm kiểm tra, Đoàn tiến hành lấy 1 mẫu xăng RON 95 – III gửi Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 để giám định kiểm tra chất lượng. Sau đó, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 thông báo kết quả giám định đối với mẫu xăng RON 95-III có trị số octan là 94,4% < min 95%, (RON). Theo quy định tại QCVN 01:2022/BKHCN được ban hành kèm theo Thông tư số 16/2022/TT-BKHCN ngày 15/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ với kết quả trên, mẫu xăng RON 95-III có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Với vi phạm trên, ngày 4/9/2024, UBND tỉnh Long An đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cửa hàng xăng dầu nói trên với tổng số tiền xử phạt hơn 600 triệu đồng.
Theo Cục QLTT tỉnh An Giang, đến nay lực lượng QLTT An Giang đã tiến hành kiểm tra 38 cơ sở kinh doanh xăng dầu theo kế hoạch, trong đó phát hiện và xử lý 1 trường hợp vi phạm về hành vi bán hàng hóa (1.217.82 lít Xăng E5 RON 92-II) có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và xử phạt vi phạm hành chính hơn 60 triệu đồng.
Thống kê của Tổng cục QLTT trong 9 tháng năm 2024 cho thấy, lực lượng QLTT cả nước đã xử lý 343 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 11 tỷ đồng.
Mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xăng dầu đủ sức răn đe
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Anh, Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Cục QLTT Bình Thuận, các hành vi vi phạm chủ yếu như: Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không xây dựng, duy trì và áp dụng có hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng theo quy định; tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi Giấy phép kinh doanh xăng dầu; không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN); không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; không ghi tên thương nhân phân phối xăng dầu cung cấp xăng dầu trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu;…
Tổng cục QLTT cũng cho biết, ngoài các hành vi vi phạm chủ yếu như trên, DN còn vi phạm trong sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định; mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối theo quy định.
Buôn bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; Kinh doanh xăng dầu mà không có Giấy phép kinh doanh xăng dầu theo quy định (đối với trường hợp không có Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu trong trường hợp có từ 2 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trở lên); Kinh doanh xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực (chủ yếu với cửa hàng bán lẻ xăng dầu); Không đăng ký thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong những tháng cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025, Cục QLTT các địa phương sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, bảo đảm duy trì ổn định hoạt động sản xuất, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Tổng cục QLTT nhìn nhận, thời gian qua lực lượng QLTT đã đồng loạt thực hiện việc kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm; mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh xăng dầu hiện nay đủ sức răn đe nên đã phát huy tác dụng, đã góp phần hạn chế vi phạm trong hoạt động xăng dầu. Trong thời gian tới, lực lượng QLTT các tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trên địa bàn trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là trong dịp cuối năm 2024 dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Đồng thời, lực lượng QLTT các địa phương khuyến cáo người tiêu dùng trong quá trình mua xăng dầu, nếu phát hiện cửa hàng bán lẻ tự ý tăng giá, chất lượng xăng, dầu không bảo đảm, cần kịp thời thông tin, phản ánh cho cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu có hành vi vi phạm quy định trong hoạt động kinh doanh.
TIN KHÁC
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)
Kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024: Nhiều gian lận, xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm(20/11/2024)