Thu ngân sách Trung ương tiếp tục gặp khó
03:40 SA @ Thứ Sáu - 12 Tháng Năm, 2017

Thống kê mới nhất của Tổng cục Thuế cho thấy, 4 tháng qua, số thu ngân sách Trung ương (NSTƯ) của ngành Thuế ước đạt 149.200 tỷ đồng, bằng 30,7% dự toán. Con số này dù tương đương với cùng kỳ năm 2016 nhưng thấp hơn một số năm gần đây. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là tăng trưởng kinh tế đạt thấp.


Thu NSTƯ của ngành Thuế ước đạt 149.200 tỷ đồng, bằng 30,7% dự toán. Ảnh: Thu Hằng.

Kết quả thu NSNN của Tổng cục Thuế tháng 4/2017 ước đạt 93.500 tỷ đồng, bằng 9,7% dự toán pháp lệnh, bằng 116,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó: Thu từ dầu thô ước đạt 3.800 tỷ đồng, bằng 9,9% dự toán và bằng 128,8% cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 89.700 tỷ đồng, bằng 9,6% dự toán và bằng 116,1% cùng kỳ. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết ước đạt 72.900 đồng, bằng 9,3% dự toán và bằng 114,7% cùng kỳ. Như vậy, 4 tháng qua, cơ quan Thuế đã thu được 341.344 tỷ đồng, bằng 35,2% dự toán pháp lệnh, bằng 116% so với cùng kỳ năm 2016 (không bao gồm thu từ bán cổ phần của Nhà nước tại các doanh nghiệp). Tiến độ thực hiện dự toán 4 tháng đầu năm đạt khá chủ yếu do các nguồn thu từ đất đai (ước đạt 50,3% dự toán, tăng 25,9% so với cùng kỳ) và phí, lệ phí (bằng 42,3% dự toán, gấp 2,95 lần cùng kỳ).

Xét riêng thu NSTƯ, Tổng cục Thuế ước đạt 149.200 tỷ đồng, bằng 30,7% dự toán, tăng 25,1% so với cùng kỳ. Tiến độ thu này dù tương đương với cùng kỳ năm 2016 nhưng thấp hơn so với tiến độ thu NSNN nói chung của toàn Ngành (35,2%), thu NSĐP (39,8%) và thấp hơn khá nhiều so với tiến độ thu cùng kỳ một số năm gần đây (37,3% năm 2014; 34% năm 2015).

Ngoài nguyên nhân một số DN tại một số địa phương đã tạm nộp số thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), cổ tức lợi nhuận còn lại quý IV/2016 phát sinh ngay trong tháng 12/2016 thì nguyên nhân chính tác động vào số thu này là do tình hình kinh tế tăng trưởng thấp, GDP quý I/2017 mới đạt được mức tăng 5,1%, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm 2017. Trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của 4 tháng năm 2016, một số ngành có đóng góp lớn cho số thu NSNN tăng trưởng thấp thậm chí giảm sâu so với cùng kỳ; sản xuất, lắp ráp ô tăng trưởng chậm (tăng 8,6%, cùng kỳ tăng 23,9%) do lượng xe nhập khẩu tăng lớn ảnh hưởng đến thu đối với một số địa phương có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô,... dẫn đến số thu từ khu vực sản xuất kinh doanh - chiếm trên 60% trong số thu NSTƯ - mới đạt 31,5% dự toán.

Bên cạnh đó, một số khoản thu NSTƯ đã giao trong dự toán như thu tiền sử dụng đất của các cơ quan Trung ương, thu lệ phí lãnh sự đến nay chưa phát sinh số nộp. Một số khoản thu tiến độ thấp so với dự toán.

Xét tiến độ thu NSTƯ theo khoản thu, sắc thuế cụ thể, số thu từ dầu thô đạt khá, khoảng 15.415 tỷ đồng, bằng 40,2% dự toán, tăng 23,4% so cùng kỳ, trên cơ sở giá thanh toán bình quân ước đạt 55,6 USD/thùng, cao hơn 5,6USD/thùng so với giá dự toán, tăng 47% so cùng kỳ, sản lượng thanh toán ước đạt 4.150 nghìn tấn, bằng 33,6% so dự toán, bằng 76,3% so với cùng kỳ. Thu cổ tức, lợi nhuận còn lại chỉ bằng 21,7% dự toán do nhiều đơn vị chưa thực hiện nộp cổ tức được chia và lợi nhuận còn lại năm 2016 và quý I/2017.

Các khoản thu nội địa nộp về NSTƯ đạt 122.153 tỷ đồng, bằng 31% dự toán, tăng 25,6% so với cùng kỳ với số thu thuế Thu nhập cá nhân (TNDN) và thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đạt thấp, tương ứng 37,3% và 27% dự toán, nguyên nhân chủ yếu do tác động của tình hình kinh tế trong 4 tháng đầu năm. Thu thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cũng chưa đạt mục tiêu, bằng 29% dự toán, chủ yếu do tiến độ thu từ các ngành hàng chịu thuế TTĐB có đóng góp lớn như ô tô, bia, rượu, thuốc lá đạt thấp. Thu từ khí thiên nhiên đạt 1.572 tỷ đồng, bằng 25% dự toán; thuế Bảo vệ môi trường đạt 29% dự toán; phí, lệ phí Trung ương bằng 25,6% dự toán,...

Trong số các khoản thu nội địa, có 2 khoản thu đạt khá, đảm bảo tiến độ là thuế TNCN 17.577 tỷ đồng, bằng 39% dự toán, tăng 30,2% so với cùng kỳ và thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản 1.376 tỷ đồng, bằng 50,3% dự toán.

16 địa phương điều tiết về NSTƯ thực hiện thu NSTƯ 4 tháng đạt 114.035 tỷ đồng, bằng 30,8% dự toán. Trong đó có 3/16 địa phương đạt khá là Hải Dương (36%) do tăng thu từ thuế TTĐB đối với ô tô nhập khẩu; Bắc Ninh (42,6%) do Công ty Samsung nộp thuế TNDN quý IV/2017 và Quảng Ngãi (54,3%) do thu một số khoản thu 100% NSTW phát sinh tháng 12/2016 của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất,...

Có 5/16 địa phương thu NSTƯ đạt trên mức bình quân chung, gồm: Quảng Ninh (32,8%); Hưng Yên (32,9%); Đà Nẵng (32,9%); Khánh Hòa (32%); TP.HCM (32,7%). Còn 8 địa phương đạt thấp là Vĩnh Phúc (25,3%); Quảng Nam (25,8%); Đồng Nai (28,5%); Hà Nội (28,6%); Bà Rịa - Vũng Tàu (29,3%); Cần Thơ (29,6%); Hải Phòng (30%); Bình Dương (30,6%).

47 địa phương còn lại thu NSTƯ đạt 27,7% dự toán, chủ yếu do thu thuế Bảo vệ môi trường, các khoản phí, lệ phí Trung ương, thu cấp quyền khai thác khoáng sản, các khoản phạt vi phạm hành chính, phạt an toàn giao thông thu đạt thấp.

(Thống kê của Tổng cục Thuế).

Nguồn: