Việt Nam phát triển điện gió, điện mặt trời cùng cam kết Net Zero vào 2050, tiềm năng vươn lên thành trung tâm năng lượng tái tạo trong khu vực, theo bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Công Thương.
Thông tin được bà Phan Thị Thắng nêu tại hội nghị đầu tư sáng ngày 9/7 tại Hà Nội. Bà cho biết, toàn cầu diễn ra nhiều cạnh tranh địa chính trị, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và các chính sách thuế quan từ các thị trường lớn như Mỹ. Tuy vậy Việt Nam có ba cơ hội chiến lược, xoay quanh: chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, chuyển đổi xanh - phát triển bền vững và đẩy mạnh kinh tế số.
Ở lĩnh vực phát triển bền vững, Thứ trưởng Công Thương nhấn mạnh tiềm năng của Việt Nam. Đặc biệt, Chính phủ nêu cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thể hiện rõ quyết tâm phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Nước ta cũng có lợi thế cạnh tranh dài hạn khi sở hữu nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao với hơn 60% dân số trong độ tuổi lao động. Kế đến là vị trí địa lý chiến lược tại trung tâm Đông Nam Á với hệ thống cảng biển, logistics đang được đầu tư mạnh. Một lợi thế khác là nền kinh tế mở với 16 FTA đã ký kết, giúp giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, tăng khả năng thích ứng trước biến động thương mại quốc tế.
Năng lượng bền vững cũng được coi là một trong ba trụ cột kinh tế chủ đạo để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức hiện nay. Bà Phan Thị Thắng phân tích Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào điện gió ngoài khơi, điện mặt trời và hydro xanh. Song song đó là việc hoàn thiện cơ chế thu hút vốn và phát triển hạ tầng năng lượng thông minh, đảm bảo an ninh năng lượng và tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường quốc tế.
Song hành với năng lượng bền vững, hai trụ cột còn lại được bà Thắng nhắc đến là công nghiệp chế biến, chế tạo và thương mại - dịch vụ số.
Theo bà, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, đặc biệt ở các lĩnh vực như điện tử, dệt may và linh kiện ôtô. Trước áp lực từ thuế quan, Việt Nam đang thúc đẩy nâng cao giá trị gia tăng, chuyển dịch sang sản phẩm công nghệ cao như chip bán dẫn và thiết bị y tế.
Ở lĩnh vực thương mại và dịch vụ số, tốc độ tăng trưởng hơn 20% mỗi năm đang tạo nên một trụ cột mới cho nền kinh tế. Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số - dự kiến thông qua trong thời gian tới, sẽ hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm số.
"Dù còn nhiều thách thức, Việt Nam đang có cơ hội lớn để bứt phá nhờ lợi thế nội tại, chính sách đúng hướng và sự đồng lòng từ Chính phủ, doanh nghiệp và người dân", đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Bà Phan Thị Thắng nêu các trụ cột trong nền kinh tế tại hội nghị sáng ngày 9/7. Ảnh: Tùng Đinh
Cũng tại hội nghị, nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đưa ra các nhận định tích cực về nền kinh tế Việt Nam. Tiến sĩ Tamara Henderson, chuyên gia kinh tế cao cấp của Bloomberg phân tích thế giới đang trải qua giai đoạn nhiều biến động, đòi hỏi các quốc gia phải chuyển đổi nền kinh tế. Trong đó, những thách thức chính đến từ biến đổi khí hậu, chính sách thương mại, dịch chuyển dòng vốn và sự bùng nổ của công nghệ.
Điểm tích cực nhất là hiện nay, khi các quốc gia lớn đang phải đối mặt với nhiều cú sốc kinh tế lớn thì Việt Nam vẫn đang duy trì được sự ổn định. Ngoài ra, theo bảng chỉ số năm 2020, chỉ số quản trị của Việt Nam được đánh giá khá tích cực, thể hiện rõ nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư.
Chuyên gia cho rằng Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu lớn. Để tối ưu hơn nữa chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào quá trình vận hành mang tính sống còn. Lợi thế Việt Nam trên hành trình này là đang sở hữu nhân khẩu học lớn, với dân số trẻ, năng động và có khả năng thích nghi cao. Ở hướng đi dài hạn hơn, tiến sĩ khuyến nghị cải tiến giáo dục để tạo ra năng lực thích ứng mạnh mẽ hơn và tạo dựng được nguồn nhân lực đủ cạnh tranh quốc tế.

Ở các phiên thảo luận khác, theo các chuyên gia, chuyển đổi số, công nghệ như AI, Blockchain đang tạo nên một sân chơi mới, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng sức khỏe cho doanh nghiệp. Với các đơn vị, công nghệ, chuyển đổi số giúp tăng năng suất, giảm sai sót, hỗ trợ phân tích, đưa ra quyết định thậm chí thay đổi mô hình kinh doanh.
Công nghệ còn giúp rút ngắn thời gian trong xử lý giấy tờ, xử lý thủ tục hành chính. Dẫn chứng vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Giao, Giám đốc Quỹ đầu tư Việt Nam - Oman cho biết mới cách đây gần một năm, để mở một tài khoản giao dịch phải mất gần ba tháng do phải xin nhiều giấy phép liên quan đến pháp lý. Trong khi đó, hiện nay, cùng quy trình đó chỉ mất chưa đầy một ngày để hoàn tất.
"Những chính sách hỗ trợ chuyển đổi số của Chính phủ đã giúp rút ngắn thời gian xử lý cho nhà đầu tư tới 10%, giảm đáng kể khối lượng công việc hành chính" ông Nguyễn Xuân Giao phân tích.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết mục tiêu chiến lược quốc gia là đạt tăng trưởng kinh tế hai con số. Để hiện thực hóa điều đó, Việt Nam phải mở rộng không gian phát triển mới, cụ thể là không gian số, công nghệ số và thiết bị số.
Do đó, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý. Một số luật quan trọng đang được xây dựng hoặc sửa đổi bao gồm: Luật Dữ liệu nhằm công nhận giá trị của dữ liệu số và bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Công nghệ số; Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Chính phủ cũng xây dựng các chính sách cụ thể để hỗ trợ startup đổi mới sáng tạo, trong đó có việc cấp kinh phí ban đầu cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Sắp tới, Chính phủ sẽ trình ban hành Bộ luật về chuyển đổi số, đóng vai trò như "mảnh ghép" giúp kết nối các bộ luật hiện hành và hoàn thiện hệ sinh thái pháp lý cho kinh tế số và không gian số.
Những bước đi này nhằm tạo ra một không gian mới cho tăng trưởng, nơi doanh nghiệp có thể thử nghiệm, đổi mới và mở rộng.