Doanh nghiệp bán lẻ đặt ra loạt các sự cố như: Đang bơm hàng thì mất mạng, mất điện, lỗi dầu đổ vào xăng, xăng đổ vào dầu, người mua đem xăng dầu trả lại thì có xuất hóa đơn không? Tính thuế thế nào? Một bất cập nữa là bán hàng vào ban đêm, không có kế toán để xuất hóa đơn...
Đó là những nội dung được doanh nghiệp đặt ra tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Triển khai Hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu - Thực trạng và giải pháp”, do Báo Tiền phong tổ chức chiều 26/12, tại TP Hồ Chí Minh.
Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử
Phát biểu tại Tọa đàm, Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - cho biết, ngày 1/12/2023 Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1284/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Trước đó, ngày 18/11/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1123/CĐ-TTg về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.
“Việc Thủ tướng liên tiếp có 2 công điện rốt ráo yêu cầu ngành thuế triển khai chủ trương cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ trong đẩy mạnh các hoạt động triển khai liên quan đến tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu”, Nhà báo Phùng Công Sưởng nói.
Thời gian này, Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế cũng có công văn gửi các địa phương, đơn vị chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với cơ quan thuế địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu để nắm bắt thực trạng đáp ứng việc triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Việc triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo sẽ góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số, chống thất thu và tăng thu ngân sách Nhà nước.
Cùng đó, việc các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi mua xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ yêu cầu người bán hàng lập hóa đơn theo đúng số lượng hàng hóa đã mua cũng là giải pháp giúp tăng cường công tác quản lý thuế, tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Lợi ích của việc triển khai hóa đơn điện tử
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế cho hay: Từ năm 2023, Tổng Cục Thuế tiếp tục triển khai hóa đơn điện tử kết nối với máy tính tiền tại các nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại ở các địa phương. Cùng với đó, triển khai hóa đơn điện tử với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Cập nhật mới nhất là có trên 3.000 cửa hàng thực hiện việc này. Hóa đơn điện tử xuất từng lần mang lại nhiều lợi ích.
Theo ông Sơn, ở góc độ doanh nghiệp, sẽ giúp các đơn vị thay đổi công nghệ quản lý, quản trị, nâng cao thương hiệu, uy tín khi quản lý bằng công nghệ. Quan trọng hơn, không phải mỗi xăng dầu mà tất cả hàng hóa khi xuất hóa đơn điện tử sẽ đem đến nhiều quyền lợi cho người tiêu dùng. Dần dần, tất cả hàng hóa sẽ xác định được nguồn gốc, tiêu chuẩn như công bố của đơn vị sản xuất. Góc độ các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ giảm thiểu được hành vi gian lận (nếu có).
Đến một ngày nào đó sẽ giảm chi phí của doanh nghiệp. “Đại diện ngành thuế chúng tôi cũng chia sẻ những vướng mắc về thủ tục ngành Thuế, ghi nhận những khó khăn của các doanh nghiệp. Ghi nhận những việc trên, ngành thuế sẽ báo cáo với cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp đã có quy định rồi, chúng tôi sẽ báo cáo lại cho quý vị”- Ông Sơn nói.
Giải pháp triển khai Hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu
Hiện trên toàn quốc có hơn 17.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước, trong đó, khối các doanh nghiệp Nhà nước có gần 6.000 cửa hàng, doanh nghiệp bán lẻ - thương nhân phân phối có hơn 10.000 cửa hàng. Các số liệu cũng cho thấy, bình quân mỗi năm cả nước tiêu thụ xấp xỉ 20,5 - 21 triệu m3 - tấn xăng dầu. Như vậy, nếu nhân với số hóa đơn sẽ phải xuất ra mỗi lần bán lẻ theo chủ trương mới sẽ lên tới hàng chục triệu hóa đơn, thậm chí cả trăm triệu hóa đơn mới được phát hành mỗi tháng.
Hiện nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu khác cho rằng, quy định trên khiến doanh nghiệp phải tốn kém chi phí đầu tư thiết bị, máy móc trong khi có thể người tiêu dùng không mặn mà với việc xuất hóa đơn, dẫn đến lãng phí.
Cùng với đó, nhiều vấn đề kỹ thuật cũng phát sinh liên quan đến việc lắp đặt thêm các thiết bị đo đếm ở cây xăng cũng như việc hóa đơn xuất ra của doanh nghiệp kết nối dễ dàng, phần mềm hoạt động ổn định, truy xuất dữ liệu nhanh, phải cài đặt dễ dàng, phải có tính tương thích, tích hợp với các phần mềm quản lý có sẵn của doanh nghiệp và phần mềm hóa đơn điện tử có khả năng tích hợp với nhiều loại phần mềm của doanh nghiệp (như phần mềm kế toán, bán hàng) và cho phép doanh nghiệp thống kê, báo cáo, trích xuất dữ liệu ra các chương trình khai thuế một cách nhanh chóng.
Ông Đặng Hoài Phương - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Phương Nam Lâm Đồng cho biết: Trước đây, chi phí bình quân về việc xuất hóa đơn của một cửa hàng khoảng 1 triệu đồng/năm. Hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhận báo giá của các công ty phần mềm, cung cấp hóa đơn điện tử với chi phí từ 100 - 165 triệu đồng/năm.
Mức đầu tư này cao gấp hơn 100 lần so với hóa đơn mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang sử dụng dẫn đến làm đội chi phí, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Ông Phương đánh giá cao tiện ích của hóa đơn điện tử vì có thể tra cứu nhưng lo lắng về độ an toàn trong quá trình lưu trữ.
Chia sẻ về giải pháp thực hiện hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu, ông Hoàng Trung Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP) trăn trở: Việc xuất hóa đơn mỗi mã bơm xăng dầu khiến chúng tôi hết sức trăn trở. Rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng rất trăn trở.
Để thực hiện việc xuất hóa đơn thì mỗi cửa hàng xăng dầu phải đầu tư từ 400 - 700 triệu cho phần cứng, chưa nói đến phần mềm và các chi phí khác liên quan. Tất cả các khoản đầu tư đó, hiện doanh nghiệp bán lẻ không biết lấy từ đâu ra?
Liên quan đến vấn đề hoa hồng, sau năm 2022, có tháo gỡ, có thay đổi nhưng hiện nay hoa hồng chỉ ở mức 500 - 600 đồng. Trong công thức tính giá giữa Bộ Tài chính - Bộ Công thương, hoa hồng định mức cho xăng dầu lợi nhuận chỉ có 300 đồng và về đến doanh nghiệp chúng tôi, tôi là doanh nhân phân phối, tôi mua của doanh nghiệp đầu mối loanh quanh ở khoảng 800 đồng, về đến cửa hàng, trừ đi chi phí vận tải các thứ, tôi còn khoảng 500 - 600 đồng. Nếu đầu tư như vậy thì không ai muốn đầu tư…
Ông Đỗ Thanh Hán - Giám đốc Công ty cổ phần Xăng dầu Sài Gòn: Nhưng 2 năm qua các doanh nghiệp đã xuất hóa đơn điện tử rồi, chỉ có khác biệt là trước đây không xuất hóa đơn từng lần.
Thực tế ở doanh nghiệp cho thấy xuất hóa đơn chỉ diễn ra khi mọi việc bình thường. Nhưng khi xảy ra sự cố như đang bơm hàng thì mất mạng, mất điện, lỗi dầu đổ vào xăng, xăng đổ vào dầu, người mua đem xăng dầu trả lại thì có xuất hóa đơn không? Tính thuế thế nào?
Một bất cập nữa là bán hàng vào ban đêm. Lúc này, cửa hàng không có kế toán, nhân viên bán hàng không đủ năng lực, vậy xuất hóa đơn thế nào? Tôi đồng ý đề xuất ai lấy hóa đơn thì xuất, còn không thì gửi bảng kê…/.
TIN KHÁC
Một số nội dung còn có ý kiến khác nhau tại Dự thảo nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu(25/11/2024)
Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học(22/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024(21/11/2024)
BSR hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất năm 2024(21/11/2024)
Nghệ An: Đến năm 2030 sẽ có khoảng 7 kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu(21/11/2024)